Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đến năm 2030, Quảng Ninh cần trên 960.000 lao động

(Dân sinh) - Dự báo đến năm 2030, Quảng Ninh cần trên 960.000 lao động, trong đó lao động qua đào tạo khoảng 90%.

5 năm gần đây (2016-2020), Quảng Ninh đã triển khai được 438 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó: 192 lớp nghề nông nghiệp, 246 lớp nghề phi nông nghiệp, với 12.533 lao động được đào tạo. Trên 10.400 người lao động đã phát huy hiệu quả sau đào tạo, bằng 83,4%. Qua đó đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, trên 500 hộ thoát nghèo, trên 2.000 hộ khá giả.

Năm học 2019 - 2020, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS chọn theo học tại các cơ sở dạy nghề là 22%; học sinh tốt nghiệp THCS chọn các trường nghề cũng đạt khá cao và chỉ có hơn 50% học sinh tốt nghiệp THPT đăng ký thi CĐ, ĐH. 

Tuy nhiên, vẫn không ít doanh nghiệp "khát" nhân lực có trình độ kỹ thuật và được đào tạo bài bản, đặc biệt là đội ngũ nhân viên kỹ năng cao tại các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn; công nhân lành nghề trong công nghiệp chế biến, vận tải, sửa chữa, những ngành kinh tế trọng điểm của địa phương.

Năm 2020, thị trường lao động Quảng Ninh dự kiến đạt hơn 782.000 người, trong đó khoảng 85% lao động qua đào tạo nghề, 45% có bằng cấp hoặc chứng chỉ, một tỷ lệ khá cao so với nhiều địa phương cả nước. 

Thế nhưng nếu so với chính nhu cầu phát triển và đòi hỏi các doanh nghiệp, nút thắt về nhân lực chất lượng đang ngày càng rõ khi tỷ lệ lao động nông thôn còn cao, tỷ lệ lao động có chứng chỉ, bằng cấp tăng chậm. 

Dự báo đến năm 2030, Quảng Ninh cần trên 960.000 lao động, trong đó lao động qua đào tạo khoảng 90%.