Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Dí dỏm thơ Trần Hưng

(Dân sinh) - “Quá một như không” (NXB Hội Nhà văn, 2020) - tập thơ của Trần Hưng có sức nén của một người từng trải, lãng du và đặc biệt dí dỏm. Sự dí dỏm ấy trước hết được chưng cất bởi một người yêu đời, yêu người. Tâm hồn anh cũng vô cùng trẻ trung trong cách quan sát, chơi chữ, chơi vần.

Với 48 bài thơ được chia thành hai phần, phần nào cũng phập phồng hơi thở cuộc sống hôm nay với cái nhìn mới mẻ. Mở đầu, bài "Yên Bái" khá phồn thực: "Thác Bà ngả xuống ngực miền xuôi". Chung âm hưởng ấy, bài "Không và một" có câu: "Hư hao cuộc giấy phẳng lì/ Chưa sao chưa ấy chưa gì chưa nhau"; rồi "Hữu hạn ảo mờ" với các câu rất gợi: "Qua cầu tưởng gió bay chơi/ Ai ngờ cởi đất tụt trời cho sông/… Gai người váy chữ tan hoang/ Bước chân hữu hạn còn đang độ dài"… cho thấy chất folklore (sáng tạo văn hóa dân gian - TS) trong thơ tác giả.

Dí dỏm thơ Trần Hưng - Ảnh 1.

Cuốn sách “Quá một như không”.

Chẳng dừng ở đấy, Trần Hưng có bài hồn nhiên học trò như "Tuổi": "Có người nheo mắt chua me/ Ném ta quả sấu xanh lè ban mai", hay "Tàu bay giấy" với "Em gấp tàu bay giấy/ Phóng lên trời Từ Liêm"… Điều đó cho thấy sự khao khát trở về tuổi thơ, tuổi trẻ của Trần Hưng. Ai cũng trải qua tuổi học trò, tuổi trẻ, và nhu cầu trở lại. Cũng bởi ký ức cùng những điều tươi đẹp giúp người làm thơ được tiếp thêm nhựa sống, khát vọng để đến với cái mới, cái tận cùng của tình yêu, cũng để thấy cái hôi hổi tiếc nuối rồi tiếp tục chưng cất thành thơ. Vậy nên, ai cũng hụt hẫng, lo lắng khi thời thanh niên đi qua, nhất là với những người chưa kịp hoàn thành ước mơ thời trai trẻ. Trần Hưng không ngoại lệ, anh chưa già nhưng cũng không còn trẻ, mà đã sợ cái tuổi cứ chất chồng, sợ người em gái nhỏ quên mình, nên thốt lên: "Bây giờ sắp hết thanh niên", hay "Bây giờ mặt phấn lòng son/ Hoàng hoa đầu phố em còn nhớ ta", "Đồ Sơn đổi số lâu rồi/ Mà anh cứ gọi mãi lời ngày xưa".

Trong tập thơ, những tháng ngày long đong, yêu long đong, hy vọng, lo lắng, hồi hộp, xa xót xuất hiện khá nhiều nhưng được tác giả "tráng men" bằng lối nói dí dỏm. Bài "Hạ Long ru" tưởng chỉ nhẹ êm như lời ru nhưng lại chẳng phải là ru, thế mà đau. Tôi thích bài này của anh bởi khi đọc tôi được căng ra cùng với tác giả, rồi ngộ ra bản thân cũng có lúc "kiễng chân", khi cái Tôi chẳng lành lặn gì, dù khuyết thiếu nhưng đã gắng gởi bồi đắp cho cái mênh mông: "À ơi để rách ru lành/ Bụi than ngày cũ đã thành áo thay/ À ơi để cạn ru đầy/ Dã tràng ngơ ngác tháng ngày không nhau". Rách có ru được lành? Cạn có ru được đầy? Cái chơi vơi sao đỡ nâng được cái chắc chắn. Biện pháp tu từ nói ngược đã giúp nâng tầm của bài thơ lên và chẳng ai khác, chính nhà thơ nhận ra: "A ơi biển dại ngủ rồi/ Chỉ còn muối xót trong đời hát ru".

Cái số long đong đúng là long đong thật. Từ bài "Đường về Gang", "Ngựa đá sang sông", "Xe ôm ca", "Người thân ở phố", "Hiệp sĩ cuối cùng" đến các bài  "Nhớ bà", "Tam giác mạch", "Bể ảo"… đều họa nên chân dung tác giả: Rất đời, thân phận, trăn trở. Đọc thơ rồi ngẫm đến người, đặc biệt là nụ cười Trần Hưng và các cử chỉ, thao tác của anh khá đủng đỉnh. Có cái gì đó hiền hiền, điềm nhiên. Có cái gì đó chân chất, chầm chậm, nhưng vẫn sâu cay, ý nhị.

Trần Hưng cầu toàn và luôn muốn chăm chút cho những câu thơ được tốt nhất, với anh. Điều này được chứng minh qua cách làm lạ hóa, tiếp cận cái mới, cái dí dỏm, để thơ anh không lẫn với người khác. Cái chất thơ lục bát của anh vì thế lóe sáng, giàu sức gợi, nhiều bài được làm lạ hóa bằng chất công nghệ: "Điếu xinh hở rốn cả ngày/ Tim phân khối lớn máu đầy online…/ Đời ơi cho một thuốc lào/ Bạn Liêu trai chat rì rào ngón tay"…

Bể đời là vô cùng. Con đường sáng tạo là vô cùng. Với nỗ lực làm mới thơ mình, Trần Hưng đã cung cấp cho bạn đọc giọng thơ giàu sức sống, với ngôn từ hiện đại, có lúc gây cười bởi chất dí dỏm đã được nâng tầm thành lối nói giễu mà điển hình là: "Em hay chuyện lá chuyện hoa/ Tôi hay ngủ ngật tôi là thi nhân/ Lá hoa nay đã phong trần/ Trường đời thi trượt mấy lần buồn thiu". Cái tạng của Trần Hưng là thế.