Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đi làm việc ở nước ngoài: “Đòn bẩy” để giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nằm trong chiến lược giải quyết việc làm quốc gia. Đây được đánh giá là “đòn bẩy”để giảm nghèo cho các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao, sinh kế thiếu bền vững. Mặc dù được tiếp cận chính sách ưu đãi của Nhà nước tuy nhiên, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ở vùng dân tộc thiểu số đến nay vẫn chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng…

Mang tiền về khởi nghiệp ngay tại địa phương

Không hiếm gặp những ngôi nhà khang trang đang mọc lên ở những vùng quê nghèo. Đó là kết quả những ngày làm việc ở nước ngoài của những lao động xa quê. Nếu như trước kia, ra nước ngoài làm việc chỉ dành cho người dân ở những vùng kinh tế phát triển thì nay đã xuất hiện nhiều hơn ở những tỉnh miền núi khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đã có vợ và ba con nhưng Triệu Văn Khà ở  huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn chấp nhận xa gia đình đi làm việc ở nước ngoài. Khà chia sẻ, “Mấy năm nay gia đình em xây nhà nhưng chưa hoàn thiện được vì thiếu tiền nên muốn đi làm việc Nhật Bản ngắn hạn. Có tiền em sẽ trang trải cuộc sống, trả tiền vay nợ xây nhà và hoàn thiện xong ngôi nhà. Nếu mọi việc thuận lợi, em sẽ sang đó tiếp, tính chuyện làm kinh tế lâu dài để vợ con đỡ khổ, các con đều được đi học”.

Lý Văn Lự, ở thôn Khuổi Ún, xã Nghiên Loan vừa sang Đài Loan làm việc được hơn 3 tháng. Vợ anh là chị Nông Thị Xìa cho biết, chồng sang đó làm công việc cơ khí ký hợp đồng 3 năm, đến nay đã ổn định và có tiền gửi về gia đình mỗi tháng gần 20 triệu đồng . Được biết gia đình anh Lự trước đây làm nghề buôn trâu, bò, nhưng 2 năm nay do việc kinh doanh bấp bênh, anh quyết định đi làm việc ở nước ngoài. Để có tiền, gia đình anh đã vay ngân hàng 50 triệu đồng và hiện tại công việc anh Lự thuận lợi và đã có thu nhập ổn định.

Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH  huyện Pác Nặm, trong năm 2020, huyện đã đưa 106 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn. Sau hai năm Covid bị chững lại, hiện nay, Pác Nặm đang tiếp tục phối hợp các công ty, đơn vị có uy tín tư vấn cho người lao động, đồng thời lên kế hoạch triển khai hỗ trợ cho người lao động có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài trong thời gian tới.  Từ đầu năm đến nay, huyện cũng đã đưa được gần 90 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Pác Nặm Hoàng Thị Duyên cho biết, Pác Nặm là một trong những địa phương có nhiều người trong độ tuổi lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trung bình, mỗi lao động tham gia xuất khẩu gửi về nước từ 10 - 15 triệu đồng/tháng, một số lao động ở thị trường Nhật Bản, Đài Loan có mức gửi trên 15 triệu đồng/tháng. Đây chính là động lực để người dân đưa con em mình đi lao động tại nước ngoài. Nhiều lao động có công việc ổn định, chỉ chưa đầy một năm sau đã trả xong số tiền vay ngân hàng. Nhiều ngươi hết thời hạn trở về tích lũy được một khoản vốn để đầu tư phát triển kinh tế, từ đó nhiều hộ đã thoát nghèo.

Ngôi nhà được xây dựng từ tiền đi làm việc ở nước ngoài gửi về của người lao động tại Bắc Hà (Lào Cai)

Ngôi nhà được xây dựng từ tiền đi làm việc ở nước ngoài gửi về của người lao động tại Bắc Hà (Lào Cai)

Cũng tương tự, tại Bắc Hà (Lào Cai), đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây cũng đã vươt qua tâm lý ngại xa nhà để đăng ký đi làm việc ở nước ngoài ngày càng nhiều. Nhiều gia đình có con em đi làm việc tại  Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan đã xây dựng được một cơ ngơi khang trang và khá giả hơn.. Ông Lê Văn Khiêm - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Bắc Hà cho biết, ở địa phương hiện nay  bà con chủ yếu là người dân tộc, làm nông nghiệp nên hầu hết lao động chỉ mong muốn đi làm việc ở nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều này cũng phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế của địa phương. Người lao động sau khi trở về có thể áp dụng kiến thức, kinh nghiệm sẵn có vào phát triển kinh tế. Nhiều người sau khi đi làm việc ở nước ngoài về, với những kiến thức thu nhận được, họ đã khởi nghiệp ngay tại địa phương, phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp rất hiệu quả", ông Khiêm cho biết.

Nhiều thị trường rộng mở dành cho lao động người dân tộc thiểu số

Hiện nay, nhu cầu lao động ở mộ số nước ngày càng tăng với các độ tuổi và ngành nghề ngày càng đa dạng. Như ngành xây dựng, tuyển lao động lên đến hơn 30 tuổi, nông nghiệp tuyển lao động gần 40 tuổi. Đây là điều kiện thuận lợi để người lao động, đặc biệt là lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số  có cơ hội được đi  làm việc ở nước ngoài góp phần rất lớn vào việc giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững ở nhiều địa phương.

Việc thu xếp nguồn tài chính để đi xuất khẩu lao động cũng không còn là vấn đề lớn như trước đây nữa. Theo quy định, các vùng đặc biệt khó khăn, người lao động đi làm việc ở nước ngoài được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất bằng lãi suất cho vay hộ nghèo và vay tối đa được 100 triệu đồng.  Lao động là người dân tộc thiểu số còn được hỗ trợ chi phí đào tạo trước khi đi làm việc ở nước ngoài. 

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lào Cai, nhiều lao động trên địa bàn khi về nước đã khởi nghiệp thành công, nâng cao đời sống bản thân và lan tỏa ra cộng đồng. Chính kỹ năng nghề, tác phong làm việc chuyên nghiệp thu được từ nước ngoài đã góp phần tạo sinh kế bền vững, xóa đói giảm nghèo, nhất là vùng nhiều người Mông, Dao...Tuy vậy, nhiều người chưa mặn mà đi làm việc nước ngoài dù chính sách rất tốt như: người ở huyện nghèo, vùng dân tộc thiểu số được hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ tối đa 4 triệuđồng/người/khóa, tiền ăn 50.000 đồng/người/ngày, tiền ở 400.000 đồng/người/tháng, đồ dùng cá nhân như quần áo, giày dép ở mức 600.000 đồng/người. Nguyên nhân do nhiều bà con ngại học ngoại ngữ, hiểu biết pháp luật còn chưa cao, thiếu tác phong làm việc chuyên nghiệp... 

Người lao động Việt Nam làm nông nghiệp tại Hàn Quốc được tiếp cận với nhiều kỹ thuật canh tác hiện đại

Người lao động Việt Nam làm nông nghiệp tại Hàn Quốc được tiếp cận với nhiều kỹ thuật canh tác hiện đại

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cũng cho rằng, người nghèo được hỗ trợ sinh hoạt phí, học ngoại ngữ, học nghề, thậm chí là vay 100% chi phí từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đi làm việc ở nước ngoài.  "Nhưng tỉ lệ lao động huyện nghèo đi vẫn ít mặc dù chính sách rất tốt", ông Liêm nói và cho rằng , ngoài nguyên nhân từ phía người lao động thì cũng có nguyên nhân do một số cán bộ chưa rõ yêu cầu, điều kiện, chính sách để giải thích cho người lao động hiểu, giúp họ chủ động sắp xếp kế hoạch học tập cũng như làm hồ sơ, thủ tục phù hợp với khả năng, trình độ, tài chính cá nhân. 

Theo ông Liêm, với thị trường lao động nước ngoài được mở rộng như hiện nay, cơ hội cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các thị trường có thu nhập cao là rất nhiều. Lao động huyện nghèo, kinh tế khó khăn, vùng dân tộc thiểu số có thể tham gia các chương trình phi lợi nhuận như Chương trình đi làm việc tại Hàn Quốc (EPS) có lương 1.400 - 1.800 USD/tháng, Chương trình đưa thực tập sinh sang thực tập tại Nhật Bản IM Japan lương dao động 1.200 - 1.400 U,SD/tháng…

“Hiện Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng báo cáo, trình Chính phủ tiếp tục triển khai các chương trình đưa lao động thời vụ sang Hàn Quốc, Úc, Israel, Nhật Bản làm nông nghiệp, ưu tiên người trẻ ở vùng trung du, miền núi, đồng bào dân tộc thiêu só "- ông Nguyễn Gia Liêm cho biết.