Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Dịch sốt xuất huyết gia tăng, tránh để ''dịch chồng dịch''

Tại hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020 do Bộ Y tế tổ chức, các chuyên gia đưa ra cảnh báo về nguy cơ gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết và các giải pháp để tránh "dịch chồng dịch".

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính từ đầu năm đến giữa tháng 9/2020, Việt Nam ghi nhận 70.585 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 64,8% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó tập trung nhiều tại miền Trung (hơn 23.000 ca mắc) và miền Nam (hơn 40.000 ca mắc). Riêng trong 3 tuần gần đây, số ca mắc có xu hướng tăng và gần với ngưỡng cảnh báo dịch, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố: Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Bình Thuận, Long An, Phú Yên, Quảng Bình, Tây Ninh, Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Dịch sốt xuất huyết gia tăng, tránh để ''dịch chồng dịch'' - Ảnh 1.

Cán bộ y tế phường Tân Quý, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra lăng quăng tại khu dân cư. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN).

Đánh giá về tình hình dịch sốt xuất huyết trong năm nay, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, không có sự bất thường về diễn biến dịch, tuýp lưu hành chủ yếu vẫn là D1, D2 (chiếm 90%). Xu hướng số ca mắc tăng trong các tuần gần đây cơ bản cũng như các năm trước, giai đoạn trước. Ngoài ra, tỷ lệ nhóm tuổi mắc sốt xuất huyết không có khác biệt so với các năm trước. Tại khu vực miền Bắc, Tây Nguyên, miền Trung, số ca mắc chủ yếu ở người lớn; còn ở khu vực miền Nam, tỷ lệ mắc có xu hướng tăng dần ở nhóm trên 15 tuổi. 

"Hiện đang là mùa mưa, hoạt động giao lưu, đi lại và tập trung đông người tăng do đã nới lỏng giãn cách xã hội. Chính vì vậy, số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống. Dự kiến, dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ đạt đỉnh vào tháng 10, tháng 11 tới", ông Đặng Quang Tấn nhận định.

Dịch sốt xuất huyết gia tăng, tránh để ''dịch chồng dịch'' - Ảnh 2.

Các bác sỹ khuyến cáo khi có dấu hiệu sốt xuất huyết, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và có phương pháp điều trị phù hợp.

Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, hiện nay, dịch bệnh sốt xuất huyết đã trở thành vấn đề toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, số ca mắc ở giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước, cứ 5-10 năm có một đỉnh dịch. Để phòng dịch, việc diệt bọ gậy, loăng quăng phải diễn ra kiên trì, thường xuyên, trong đó tuyến xã, phường là quan trọng. Nếu hoạt động này làm tốt thì sẽ bớt đi việc xử lý dịch ở tuyến trên.

"Sốt xuất huyết là bệnh theo mùa nên từ nay đến tháng 12, số ca mắc dự báo sẽ tăng theo tuần. Mỗi gia đình phải là một pháo đài phòng, chống sốt xuất huyết. Hằng tuần, các cơ quan, công sở, đơn vị và mỗi người dân dành 15 phút để tìm và diệt các ổ bọ gậy, loăng quăng nơi làm việc, sinh sống. Khi không có loăng quăng, bọ gậy, sẽ không có sốt xuất huyết", PGS.TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.

Các bác sỹ khuyến cáo khi có dấu hiệu sốt xuất huyết, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và có phương pháp điều trị phù hợp.

Đối với những trường hợp bệnh nhẹ, những người không có bệnh nền, không mang thai hoặc không phải là trẻ em nhỏ tuổi, người lớn tuổi, người có cơ địa béo phì..., bác sỹ có thể cho điều trị tại nhà, tái khám mỗi ngày hoặc cách ngày để theo dõi diễn tiến của bệnh.

Trong quá trình điều trị tại nhà, người bệnh cần lưu ý, sốt xuất huyết có thể trở nặng vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 7 sau khi khởi phát bệnh. Thông thường đến giai đoạn này, người bệnh đã giảm sốt, thậm chí hết sốt nhưng đây lại là lúc có thể xuất hiện các biến chứng bất thường nguy hiểm.

Trong trường hợp có nôn ói, chảy máu cam, xuất huyết, đau bụng nhiều, đi ngoài phân đen, trẻ em tay chân lạnh... cần đến bệnh viện ngay lập tức.