Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Điều phối thuốc kháng độc tố Botulinum từ Hà Nội vào các tỉnh thành

(Dân sinh) - 10 lọ thuốc kháng độc Botulinum được WHO chuyển từ Geneva, Thụy Sĩ về đến Bệnh viện Bạch Mai và được điều phối vào các tỉnh, thành phía Nam điều trị bệnh nhân ngộ độc Botulinum nặng.

VTV.vn thông tin liên quan tới vụ ngộ độc Pate Minh Chay, sáng ngày 13/9, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Vừa tổ chức hội chẩn với các bệnh viện, nhằm điều phối thuốc kháng độc tố Botulium từ Hà Nội vào các tỉnh, thành phía Nam.

Cụ thể, sau khi WHO viện trợ 10 lọ thuốc kháng độc tố Botulium, Bộ Y tế giao Bệnh viện Bạch Mai làm thủ tục tiếp và điều phối thuốc. Bệnh viện đã tổ chức hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện có bệnh nhân, lựa chọn chỉ định theo tình trạng của bệnh nhân và điều phối thuốc.

Trong tổng số 11 bệnh nhân ở các tỉnh miền Nam, 6 lọ thuốc đã được điều phối cho 6 bệnh nhân nặng phải thở máy ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân Dân 115, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Các bệnh viện hiện đã có phác đồ, được hướng dẫn theo dõi đánh giá bệnh nhân khi sử dụng. Các bệnh nhân nhẹ hơn hiện không phải dùng thuốc. Số thuốc còn lại sẽ được dự trù cho các bệnh nhân sắp tới.

Điều phối thuốc kháng độc tố Botulinum từ Hà Nội vào các tỉnh thành - Ảnh 1.

Thuốc kháng độc tố Botulium

Thông tin từ vnexpress.net cho biết, số thuốc được lấy từ kho dự trữ thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Thụy Sĩ, được bảo quản và vận chuyển trong điều kiện đặc biệt để đảm bảo đưa thuốc về Việt Nam nhanh, tới tay người bệnh sớm nhất. Thông tin được Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thị Giáng Hương, Giám đốc Các chương trình Kiểm soát bệnh tật kiêm Giám đốc Các chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, khu vực Tây Thái Bình Dương, cho biết ngày 8/9.

Bộ Y tế phối hợp với WHO để giải quyết thủ tục cần thiết cho việc tiếp nhận số thuốc này. Bệnh viện Bạch Mai là đầu mối nhận thuốc, sau đó chuyển tới các đơn vị y tế khác theo nhu cầu điều trị, ví dụ các bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Thuốc dùng để điều trị các bệnh nhân bị ngộ độc botulinum sau khi ăn pate Minh Chay, nhập viện từ tháng 7 đến nay.

Cuối tháng 8, WHO đã tài trợ toàn bộ chi phí và điều phối hai lọ thuốc giải độc botulinum từ Thái Lan về Hà Nội để cứu hai vợ chồng ngộ độc botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Thuốc có giá 8.000 USD một lọ. Sức khỏe hai bệnh nhân này đã khả quan hơn sau khi dùng thuốc giải độc. Người vợ còn liệt nhẹ ở họng, có thể tự ngồi, tự chăm sóc, nói rõ. Người chồng đã vận động nhẹ bàn chân và bàn tay, vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở, không bị rối loạn cảm giác.

Botulinum là độc tố mạnh nhất hiện nay, gây liệt nặng, quá trình điều trị phức tạp, kéo dài nhiều tháng và tốn kém, dễ biến chứng, tử vong. Hiện cả nước ghi nhận 15 bệnh nhân nhập viện điều trị do ngộ độc botulinum tại Hà Nội, TP HCM, Khánh Hòa, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Quảng Nam, đều do ăn phải pate Minh Chay có chứa vi khuẩn sinh độc tố.

Hơn 30 năm qua Việt Nam không ghi nhận ca ngộ độc botulinum nào, do đó không dự trữ huyết thanh cũng như thuốc giải độc. Các bệnh viện đã đề nghị Bộ Y tế nhập thuốc từ nước ngoài về điều trị. Tuy nhiên thuốc chỉ có tác dụng giải độc trong thời gian 3 ngày kể từ khi có dấu hiệu ngộ độc. Sau thời gian này, thuốc có giá trị hỗ trợ điều trị.

Hiện chỉ hai bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai được điều trị bằng thuốc kháng độc nhập khẩu. Những bệnh nhân khác ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, được điều trị không đặc hiệu bằng các phương pháp thay huyết tương, bổ sung vitamin, thở máy, trị liệu vật lý. Thời gian thở máy của các bệnh nhân kéo dài, có thể tới hai tháng. 

Trước đó, ngày 29/8 Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cảnh báo khẩn cấp pate Minh Chay gây ngộ độc cho nhiều người trên cả nước. Cục An toàn Thực phẩm cho biết trong pate chứa vi khuẩn Clostridium botulinum type B, sinh độc tố botulinum, nguy hiểm cho người dùng. 15 người bị ngộ độc trên cả nước, phải nhập viện, điều trị trong tình trạng nặng.