Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Điều trị bằng Methadone là giải pháp bảo đảm an toàn sức khỏe của người nghiện ma túy

Sau nhiều năm triển khai điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã đem lại nhiều tín hiệu tích cực, góp phần quan trọng vào việc giảm tội phạm, giảm lây nhiễm HIV, nâng cao sức khỏe, tăng cơ hội việc làm, giảm chi phí cho người nghiện so với dùng ma túy, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình và bản thân người nghiện.

Duy trì điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone

Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội), việc điều trị bằng Methadone là giải pháp bảo đảm an toàn cho sức khỏe của người nghiện ma túy, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường máu trong cộng đồng. Hình thức điều trị ngoại trú giúp cho cuộc sống của người sử dụng ma túy ít bị xáo trộn, có thể vừa điều trị, vừa đi làm.

Đặc biệt, mô hình này đã góp phần làm giảm tỷ lệ tội phạm do người nghiện ma túy gây ra, từ 60,8% số người phạm tội trước khi điều trị, xuống còn 3,9% sau 1 tháng điều trị, tiếp tục giảm xuống còn 0,5% sau 6 tháng và 0,2% sau 1 năm điều trị. Ngoài ra, chi phí cho điều trị cai nghiện bằng Methadone ít hơn các hình thức điều trị cai nghiện khác, giúp tiết kiệm cho gia đình và xã hội...

Điều trị bằng Methadone là giải pháp bảo đảm an toàn cho sức khỏe của người nghiện ma túy.

Điều trị bằng Methadone là giải pháp bảo đảm an toàn cho sức khỏe của người nghiện ma túy.

Từ hiệu quả được kiểm chứng trong thực tiễn, năm 2022, UBND thành phố Hà Nội đã Kế hoạch số 78/KH-UBND về việc triển khai công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố. Theo Kế hoạch, TP. Hà Nội giao Sở LĐ-TB&XH là đơn vị thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực cai nghiện ma túy và quản lý sau cai, trực tiếp quản lý, chỉ đạo điều hành hệ thống các cơ sở cai nghiện ma túy công lập hoạt động hiệu quả, duy trì các giải pháp nâng cao chất lượng công tác điều trị cho người nghiện ma túy, duy trì ổn định an ninh, trật tự tại các cơ sở cai nghiện ma túy. Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương xây dựng phần mềm hệ thống thông tin quản lý người cai nghiện, người sau cai nghiện trên địa bàn.

Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan công bố các cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma tuý, chỉ định cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma tuý để các cơ quan, đơn vị biết và phối hợp thực hiện. Tổ chức tập huấn việc xác định tình trạng nghiện ma tuý; đào tạo, tổ chức tập huấn và cấp chứng nhận về xác định tình trạng nghiện ma tuý cho bác sĩ tuyến cơ sở để có đủ nhân lực khi triển khai nhiệm vụ.

Chỉ đạo tổ chức kiểm tra, hướng dẫn và hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở y tế, cơ sở cai nghiện ma tuý thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ hỗ trợ cắt cơn, giải độc và điều trị, tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng, các địa phương triển khai mô hình điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma tuý tại cộng đồng.

Tiếp tục triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone cho người nghiện ma tuý. Chỉ đạo các đơn vị y tế các cấp phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an các cấp quản lý người điều trị nghiện ma tuý bằng thuốc thay thế Methadone/ Buprenorphine.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả “Phần mềm quản lý bệnh nhân điều trị Methadone”

Để triển khai công tác điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, từ đầu năm, Sở Y tế Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 621/KH-SYT về việc triển khai công tác phòng, chống ma túy ngành Y tế Hà Nội năm 2022 trên địa bàn thành phố, với mục tiêu tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; duy trì liều ổn định cho gần 5.000 người nghiện ma túy tại các cơ sở điều trị Methadone; phấn đấu đến cuối năm 2022 lũy tích có hơn 5.200 bệnh nhân được điều trị thay thế bằng Methadone, giảm tỷ lệ bệnh nhân ngừng điều trị, ra khỏi chương trình so với năm 2021…

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tính hiệu quả của chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (Methadone/Buprenorphine) tại các quận, huyện, thị xã và các cơ sở cai nghiện ma túy của thành phố; phối hợp với các sở, ban, ngành tiếp tục duy trì 18 cơ sở điều trị Methadone đang hoạt động, xây dựng và hoàn thiện đề án mở mới các cơ sở điều trị Methadone trình UBND thành phố, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu điều trị cho hơn 5.200 bệnh nhân theo kế hoạch của UBND thành phố; tiếp tục triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế theo chỉ đạo của UBND thành phố; tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả “Phần mềm quản lý bệnh nhân điều trị Methadone”…

Thực hiện lồng ghép tối đa dịch vụ điều trị thay thế Methadone với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV; các đơn vị phối hợp với các cơ sở cai nghiện ma túy của thành phố thực hiện công tác chữa bệnh, phòng chống HIV/AIDS, triển khai điều trị ARV và quản lý học viên điều trị tại Bệnh viện 09.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác quản lý thuốc gây nghiện, hướng thần và tiền chất tại các cơ sở y tế công lập, tư nhân trên địa bàn, kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc kinh doanh trái phép thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện; tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn trong công tác điều trị, cắt cơn nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy của thành phố. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Công an thành phố thực hiện việc kiểm tra đột xuất, hướng dẫn các cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.