Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV

Ngày 3/11, tại TP.HCM, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) (VAAC) phối hợp cùng dự án USAID/PATH Healthy Markets của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) do tổ chức y tế toàn cầu PATH thực hiện, đã tổ chức Hội thảo “Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) 2018-2020 và kế hoạch 2021”.

Thông tin từ báo Suckhoedoisong.vn: Ngày 3/11, tại TP.HCM, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế (VAAC) phối hợp cùng dự án USAID/PATH Healthy Markets của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) do tổ chức y tế toàn cầu PATH thực hiện, đã tổ chức Hội thảo “Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) 2018 - 2020 và kế hoạch 2021”.

Hội thảo nhằm nhìn lại kết quả triển khai chương trình PrEP tại 14 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam với nhiều kết quả hết sức tích cực, cũng như thảo luận để đẩy nhanh tốc độ phủ rộng của PrEP, hướng tới mục tiêu loại trừ AIDS vào năm 2030.

Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, trong nhiều năm qua, tại Việt Nam đã có nhiều kết quả tốt đẹp trong công tác phòng chống HIV/AIDS trong đó có việc giảm được số lượng trường hợp mắc hàng năm, giảm được số lượng tử vong và đã đạt được mục tiêu kiểm soát HIV trong cộng đồng dưới 0,3%.

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu tại hội thảo. 

Tỷ lệ HIV trong các nhóm nguy cơ cao đã giảm rất rõ rệt, trước đây tỷ lệ HIV trong nhóm tiêm chích ma tuý lên đến gần 30%, đến nay chỉ còn khoảng 10%, tương tự ở nhóm phụ nữ mại dâm cũng giảm đến 2/3, tuy nhiên tỷ lệ dương tính trong nhóm cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang gia tăng nhanh. Thống kê năm 2010 - 2012 tỷ lệ dương tính HIV trong cộng đồng MSM khoảng 3%, đến nay khoảng 12 - 15%, đặc biệt là tỷ lệ nhiễm mới cao, dù đã có nhiều biện pháp kiểm soát nhưng tình hình dịch vẫn chưa được kiểm soát như mong muốn.

PrEP là một trong các giải pháp hiệu quả để kiểm soát tình hình này. PrEP được triển khai thí điểm tại Việt Nam năm 2017, nhận được sự quan tâm của nhóm đích với số lượng đăng ký sử dụng ngày càng tăng và tỷ lệ người tiếp tục sử dụng PrEP cao. Từ tháng 11/2019 PrEP đã được mở rộng ra thêm 15 tỉnh thành phố, đưa dịch vụ này sẵn có tại 26 tỉnh, thành phố ở Việt Nam với sự hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ, Quỹ Toàn cầu và Chính phủ Việt Nam. Kể từ khi khởi động chương trình đến nay đã có hơn 13.000 người đăng ký sử dụng PrEP. Được đánh giá là liệu pháp dự phòng mang tính đột phá, có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV tới hơn 92% nếu được sử dụng hàng ngày, như 1 phần của chiến lược dự phòng tổng thể.

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV - Ảnh 2.

Ước tính mỗi năm PrEP đã thực hiện phòng cho hơn 700 người không bị nhiễm HIV mới. 

Ước tính mỗi năm PrEP đã thực hiện phòng cho hơn 700 người không bị nhiễm HIV mới. PGS.TS Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, với những hiệu quả đạt được, trong tương lai để đảm bảo khống chế dịch HIV/AIDS, đặc biệt là trong nhóm cộng đồng MSM, cần phải đồng bộ nhiều biện pháp, cụ thể là mở rộng hơn nữa các cơ sở cung cấp dịch vụ, trong đó có cả cơ sở nhà nước và tư nhân. Bên cạnh đó là các hoạt động để tạo cầu, các tổ chức cộng đồng, các đồng đẳng viên, cán bộ ở cơ sở cần tiếp tục nỗ lực để tuyên truyền, hỗ trợ PrEP đến được với tận tay người dùng. Đặc biệt hơn là sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về hỗ trợ kinh phí và chuyên môn kỹ thuật cho Việt Nam.

Theo VietnamPlus.vn, hiện chương trình có hơn 10.000 khách hàng đang sử dụng PrEP thường xuyên. Về hiệu quả, Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Long cho biết, PrEP giúp giảm từ 95 - 98% khả năng lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Về phía đơn vị hỗ trợ, bà Lopa Basu, cố vấn kỹ thuật cao cấp, Phòng Y tế của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết, thành công của chương trình cho đến nay là nhờ vào các chiến dịch toàn cầu mạnh mẽ và đa dạng hóa các dịch vụ, như PrEP tình huống (ED-PrEP) mới được giới thiệu cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và triển khai cung cấp PrEP tại các phòng khám công lập, tư nhân và phòng khám cộng đồng.

Trong tương lai, USAID cam kết hỗ trợ, đảm bảo để các khách hàng được tiếp tục sử dụng PrEP, đồng thời sẽ hợp tác để giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu thanh toán bệnh AIDS vào năm 2030. Năm 2021, PrEP sẽ mở rộng tại 27 tỉnh, thành phố và có những điều chỉnh phù hợp để đáp ứng tốt nhu cầu của nhóm đích, cung cấp các lựa chọn tiếp cận mới và đa dạng cho những người có nguy cơ nhiễm HIV.