Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Định hướng - trách nhiệm của báo chí với xã hội

Suốt 97 năm đồng hành cùng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính xác, tin cậy, định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội một cách lành mạnh, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ thông tin và truyền thông xã hội hiện nay.

Dẫn dắt, định hướng thông tin trước mạng xã hội

Theo số liệu của Bộ TT&TT, tính đến ngày 30/11/2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí (in và điện tử), trong đó 114 báo, 116 tạp chí thực hiện hai loại hình, 557 báo và tạp chí in; 29 báo và tạp chí điện tử; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng. Cả nước có khoảng 40.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí với 17.161 người được cấp thẻ nhà báo.

Báo chí luôn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội

Báo chí luôn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội

Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Trung ương, hầu hết các cơ quan báo chí đã bám sát thực tiễn của đời sống xã hội, thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước; thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế-xã hội ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là các sự kiện lớn, đáp ứng tốt quyền được thông tin của nhân dân. Đồng thời, báo chí thực hiện tốt chức năng là diễn đàn của nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội, kịp thời phát hiện và biểu dương những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến. Nhiều cơ quan báo chí đã năng động, tích cực trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác, tích cực đấu tranh chống “diễn biến hoà bình”, phản bác các quan điểm sai trái…

Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ thông tin, cạnh tranh gay gắt cùng với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội, vẫn còn một số cơ quan báo chí, nhất là báo chí điện tử thông tin không chính xác, thiếu nhạy cảm về chính trị; một số báo chí điện tử còn nặng thông tin về tiêu cực, có nhiều tin bài chạy theo thị hiếu tầm thường để câu “view”, ít chú ý đến việc phát hiện, cổ vũ, biểu dương những gương người tốt, việc tốt, những nhân tố mới, điển hình tiên tiến. Một số báo chí điện tử còn sơ hở trong kiểm chứng nguồn tin, đăng thông tin một chiều, gây bức xúc dư luận xã hội.

Trong bối cảnh đó, việc cung cấp kịp thời thông tin chính xác, khách quan và chân thực không những là nhiệm vụ của báo chí mà còn là sự đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi tự thân của xã hội. Xã hội càng văn minh càng cần đến thông tin chính xác, chân thực và nhân văn. Và đó chính là thế mạnh của báo chí chính thống.

Nâng cao hơn nữa tính định hướng

Theo PGS, TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo, với ưu thế nhanh, nhạy, tính tương tác cao và sự lan tỏa lớn... truyền thông xã hội đang ngày càng cạnh tranh quyết liệt với báo chí truyền thống. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, vai trò của báo chí chính thống không những không suy giảm mà ngày càng quan trọng trong một xã hội bùng nổ thông tin.

PGS, TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo

PGS, TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo

“Truyền thông xã hội đã và đang tạo ra cuộc chơi mới, khiến báo chí truyền thống phải thay đổi để giữ chân độc giả. Với khả năng đưa tin, chia sẻ, thu hút, tìm kiếm thông tin nhanh chóng, truyền thông xã hội có lợi thế hơn báo chí truyền thống. Tuy nhiên, báo chí vẫn có chỗ đứng vững chắc và quan trọng trong “trận địa” thông tin mở như hiện nay, nếu duy trì được chất lượng, coi nội dung là “vua”, đồng thời kết hợp được những tính ưu việt mà truyền thông xã hội đem lại, từ đó tăng cường sức mạnh cũng như tăng giá trị cho báo chí truyền thống.

Khó khăn đối với các cơ quan báo chí chính thống khi đưa tin là đều phải trải qua quá trình tiếp cận thực tế, kiểm định nguồn tin, biên tập kỹ lưỡng mới được xuất bản. Quy trình đó mất khá nhiều thời gian, thậm chí, để bảo đảm tính xác thực của thông tin, vì lợi ích cộng đồng xã hội, của dân tộc, một số tờ báo có thể đưa tin chậm hơn về một vấn đề cụ thể nào đó. Trong sự vận động và phát triển của báo chí hiện đại, việc sử dụng và tích hợp truyền thông xã hội vào báo chí là một trong những xu hướng mới của báo chí, bất cứ ai hoạt động trong lĩnh vực này đều phải quan tâm và tìm ra hướng đi phù hợp trong cuộc chơi đầy cam go và khốc liệt như hiện nay”, PGS, TS Nguyễn Thành Lợi phân tích.

Ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Nhìn nhận về việc giữ vững định hướng thông tin của các cơ quan báo chí thời gian qua, ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, trong hơn 2 năm vừa qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, cùng với sự chi phối, cạnh tranh của các nền tảng xuyên biên giới, mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới nhưng về cơ bản, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ; là diễn đàn tin cậy của nhân dân, báo chí đã chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, có nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội.

“Trong thời gian tới, các cơ quan báo chí, truyền thông phải tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng trong việc lan tỏa thông tin tích cực, nhân văn, nhân ái vì cộng đồng. Đồng thời, lên án, đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt các hiện tượng, hành vi cụ thể lợi dụng mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác trên internet để thông tin sai sự thật, thiếu chuẩn mực đạo đức, trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật”, ông Trần Thanh Lâm nói.

“Để giữ vững tính định hướng, cơ quan báo chí cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo; nâng cao nhận thức, trách nhiệm mỗi cá nhân trong việc thực hiện 10 điều Quy định đạo đức người làm báo và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Báo chí phải có cái nhìn khách quan, thận trọng trước các hiện tượng trên mạng xã hội; tuyệt đối không vì mục tiêu tăng views mà đưa tin theo hướng giật gân, câu khách, a dua, chạy theo và bị mạng xã hội dẫn dắt, quên đi trách nhiệm xã hội và sứ mệnh cao cả của người làm báo”, ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.