Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Định hướng xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo về nghiệp vụ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia

(Dân sinh) - Ngày 12/6 tại Hà Nội, Tổng cục GDNN đã tổ chức Hội thảo “Định hướng xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo về nghiệp vụ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia”. Mục đích của hội thảo nhằm làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn, đánh giá, phân tích yêu cầu của đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia

Định hướng xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo về nghiệp vụ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN phát biểu khai mạc hội thảo

Theo ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng Cục GDNN, đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG nhằm công nhận trình độ KNN cho người lao động, không phân biệt người lao động đạt được trình độ KNN này thông qua các khóa đào tạo chính quy, phi chính quy, hoặc do người lao động tự học tập, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm trong quá trình làm việc. Hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG có vai trò thúc đẩy người lao động tham gia học tập suốt đời, các doanh nghiệp phân công lao động, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, trả lương theo năng lực của người lao động, qua đó chất lượng nguồn nhân lực không ngừng được nâng cao. Trong hơn 10 năm qua, Tổng cục GDNN đã triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật để tổ chức xây dựng tiêu chuẩn KNNQG, xây dựng ngân hàng đề thi, thiết lập các tổ chức đánh giá, phát triển đội ngũ đánh giá viên để thực hiện đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG cho người lao động. Cho đến nay, đã xây dựng và ban hành được gần 193 bộ tiêu chuẩn KNNQG; biên soạn được ngân hàng đề thi cho 91 nghề; cấp giấy chứng nhận cho 42 tổ chức đánh giá KNN phân bố tại các vùng miền trọng điểm trên toàn quốc; tổ chức đào tạo và cấp thẻ đánh giá viên cho 1.387 người; đã tổ chức đánh giá KNN cho gần 60 nghìn lượt người lao động trong cả nước.

Định hướng xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo về nghiệp vụ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia - Ảnh 2.

ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng Cục GDNN trình bày tham luận tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo bà Nguyễn Thị Việt Hương Phó Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN nhấn mạnh, để tăng cường năng lực của hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG, việc tăng cường đào tạo đội ngũ đánh giá viên phục vụ hoạt động đánh giá là rất cần thiết. Đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia có vai trò rất lớn trong việc đảm bảo chất lượng của hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG. Để trở thành một đánh giá viên KNNQG, ngoài kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ đánh giá, thì yêu cầu về phẩm chất, đạo đức, tác phong, thái độ khi thực hiện nhiệm vụ là rất quan trọng. Ngày 28/05 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai các giải pháp để tăng cường năng lực hệ thống đánh giá, công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tăng cường hệ thống quản lý và đánh giá kỹ năng nghề; bổ sung danh mục các ngành, nghề phải sử dụng lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Bà Nguyễn Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng cho biết thêm, đây lần đầu tiên Tổng cục GDNN lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý và các thầy cô giáo về việc lựa chọn ngày tôn vinh GDNN – "Ngày Kỹ năng nghề Việt Nam"

Định hướng xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo về nghiệp vụ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia - Ảnh 3.

Quang cảnh hội thảo

Tại Hội thảo các nhà khoa học, các chuyên gia về lĩnh vực đào tạo cùng đánh giá KNNQG đóng góp ý kiến để bổ sung căn cứ để xây dựng hoàn thiện chương trình, tài liệu đào tạo về nghiệp vụ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, tạo điều kiện để tăng cường năng lực của hệ thống đánh giá KNNQG. Các ý kiến cho rằng, song song với việc tập trung đào tạo đội ngũ đánh giá viên, đòi hỏi cần xây dựng bổ sung các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và các bộ công cụ đánh giá; đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đăng ký và tham dự đánh giá; đầu tư trang thiết bị, dụng cụ đánh giá đảm bảo thích ứng với nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp; mở rộng quy mô và chế tài để đảm bảo tính minh bạch, đảm bảo chất lượng của quá trình đánh giá, chống gian lận trong đánh giá; xây dựng chính sách khuyến khích ngành công ngiệp tham gia mạnh mẽ vào công tác phát triển KNNQG và đánh giá cấp, công nhận chứng chỉ KNNQG cho người lao động.