Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về phòng chống xâm hại trẻ em

(Dân sinh) - Sáng ngày 3/10/2019, Đoàn giám sát của Quốc hội do đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em, trên địa bàn tỉnh.

Đắk Lắk: Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng chống xâm hại trẻ em - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc với đoàn có các lãnh đạo tỉnh, ông Y Biêr Niê Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, ông Phạm Ngọc Nghị Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh và H'Yim Kđoh Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan trong tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo với đoàn, tổng số trẻ em trên địa bàn tỉnh hiện là 509.946 em, chiếm 26,1% dân số. Trong những năm gần đây, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em tại tỉnh Đắk Lắk vẫn diễn biến phức tạp, từ năm 2011 đến ngày 30/6/2019, toàn tỉnh có 646 trẻ em bị xâm hại, trong đó nữ 489 em, nam 157 em. Hậu quả khiến 5 trẻ tử vong, 159 trẻ bị thương tật, 13 trẻ có thai và 160 trẻ bị các tác động về thể chất và tinh thần. Đối tượng xâm hại chủ yếu là người quen biết, hàng xóm, thậm chí là người ruột thịt, người thân thích trong gia đình. Nguyên nhân dẫn đến hành vi xâm hại trẻ em là do sự thiếu hiểu biết của cha mẹ và người thân của trẻ, bản thân trẻ em bị bỏ rơi, bị sao nhãng, bị lạm dụng và bóc lột, nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội chưa bao phủ được hết các địa bàn, đối tượng.

Đắk Lắk: Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng chống xâm hại trẻ em - Ảnh 2.

Lê Thị Nga, Ủy viên ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Đắk Lắk: Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng chống xâm hại trẻ em - Ảnh 3.

Ông Y Biêr Niê Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh, phát biểu tại buổi làm việc

Đắk Lắk: Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng chống xâm hại trẻ em - Ảnh 4.

ông Phạm Ngọc Nghị Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh

Đắk Lắk: Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng chống xâm hại trẻ em - Ảnh 5.

Bà Lại Thị Loan Phó giám đốc sở Lao động thương binh & Xã hội tỉnh Đắk Lắk

Để bảo vệ chăm sóc trẻ em bị xâm hại, tỉnh Đắk Lắk đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, duy trì và nhân rộng 16 mô hình xây dựng ngôi nhà phòng chống tai nạn thương tích tại 8 huyện; triển khai và nhân rộng mô hình Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh an toàn tại một số địa phương để hỗ trợ, tiếp nhận trẻ em bị xâm hại, tất cả các trường hợp trẻ bị xâm hại đều được hỗ trợ và can thiệp theo Thông tư 23/2010/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh...

Từ năm 2015 đến nay, các đoàn kiểm tra chuyên ngành của tỉnh đã tổ chức 24 cuộc kiểm tra tại 14 huyện, thị xã, thành phố và 24 xã về công tác xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em và mô hình xây dựng ngôi nhà phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em...

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã nêu lên nhiều vấn đề còn tồn tại trong công tác thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống, xâm hại trẻ em của tỉnh Đắk Lắk đó là: số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt còn lớn; trẻ em trong độ tuổi đi học bỏ học, trẻ em bỏ nhà đi lang thang còn nhiều, có sự mâu thuẫn giữa cơ quan công an và viện kiểm sát về số liệu tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác trẻ bị xâm hại, bản thân các cơ quan chức năng chưa phát hiện được nhiều vụ việc xâm hại trẻ em từ cơ sở, chủ yếu còn phụ thuộc vào nguồn tin của người dân...

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Lê Thị Nga đề nghị tỉnh cần đánh giá thực chất hiệu quả công tác tuyên truyền, nhất là công tác tuyên truyền ở vùng dân di biến động, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp liên ngành, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về trẻ em bị xâm hại, tăng cường giáo dục lối sống cho trẻ em để giảm hành vi giao cấu với trẻ em. Đồng thời, đồng chí cho rằng, số lượng trẻ em có nguy cơ bị xâm hại tại Đắk Lắk tương đối lớn, do đó tỉnh phải xác định được nhóm nguy cơ để có biện pháp can thiệp kịp thời.