Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Doanh nghiệp thời Covid -19: Biến “nguy” thành “cơ”

Hiện có nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh gặp khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản, tuy nhiên trong bối cảnh đó nhiều doanh nghiệp cũng đã tìm được cho mình những cơ hội để vừa ứng phó với rủi ro, vừa phát triển trong bối cảnh dịch bệnh.

Thay đổi để thích nghi

Thời điểm dịch bệnh viêm phổi do virus Corona ở Trung Quốc bùng phát mạnh, hàng nông sản của Việt Nam dồn ứ tại cửa khẩu, khắp nơi trên cả nước kêu gọi giải cứu thanh long, dưa hấu… Ở thời điểm ấy, sáng kiến bánh mì thanh long ruột đỏ của ông Kao Siêu Lực (Tổng Giám đốc ABC Bakery) đã tạo lên "cơn sốt" trên thị trường. Sau thành công đó, ông chủ bánh mì thanh long ruột đỏ đã cho ra nhiều sản phẩm khác từ những sản vật địa phương như khoai môn, sầu riêng, dưa hấu, bơ... để nâng giá trị trái cây Việt.

Doanh nghiệp thời Covid -19: Biến “nguy” thành “cơ” - Ảnh 1.

Sản phẩm bánh mì thanh long ruột đỏ tạo cơn sốt trên thị trường.

Cũng không kém phần sáng tạo, Công ty Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh Foods ở huyện Củ Chi (TP.HCM) khi đưa ra thị trường các sản phẩm mới như bún dưa hấu, bánh tráng thanh long đã và đang được người tiêu dùng đón nhận khá tốt. Ông Lê Duy Toàn, Giám đốc công ty cho biết, do thấy dưa hấu nhiều nơi ế ẩm không xuất khẩu được trong bối cảnh dịch Covid-19 nên quyết tâm làm điều gì đó giúp người nông dân và đã thành công khi kết hợp dưa hấu với các loại bún, miến, mì, phở, bánh tráng. Sản phẩm bún dưa hấu mới đây đã đặt chân đến thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và sắp tới dự kiến là Australia.

Còn với ngành may mặc, trong khi nhiều Công ty may mặc gặp khó khăn khi dịch Covid -19 xảy ra thì báo cáo kết quả kinh doanh trong tháng 2/2020 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) biết tổng doanh thu tiêu thụ đạt 288,6 tỷ VNĐ tăng 65% so với cùng kỳ tháng 2 năm 2019. Trong đó doanh thu xuất khẩu đạt 219,5 tỷ VNĐ tăng 47% so với cùng kỳ 2019, doanh thu nội địa đạt 36,1 tỷ đồng, tăng 240% so với cùng kỳ 2019.

TNG cho biết, doanh thu nội địa trong tháng 2 năm 2020 tăng so với cùng kỳ 2019 chủ yếu đến từ các đơn hàng sản xuất khẩu trang phục vụ thị trường trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Với hoạt động sản xuất khẩu trang, trước nhu cầu lớn do dịch bệnh, công ty tăng ca và chuyển xí nghiệp may thời trang phục vụ nội địa để may khẩu trang. Đầu tháng 2, công ty cho biết năng lực sản xuất khẩu trang khoảng 50.000-60.000 chiếc mỗi ngày và có thể mở rộng quy mô để sản xuất được 200.000 chiếc. Nhờ lợi thế sản xuất theo đơn đặt hàng cụ thể, công ty vẫn chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, đủ sản xuất đến hết quý 2 và đang lên kế hoạch chuẩn bị cho đơn hàng quý tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch TNG cho biết, đến thời điểm này, đơn hàng cho năm 2020 rất tốt. Nhiều khách hàng truyền thống của Công ty như Decathlon (Pháp) tăng 29% so cả năm 2019, Spormaster (Nga) tăng 73% so cả năm 2019… Các khách hàng đều đề nghị tăng đơn hàng. Chẳng hạn, Spormaster của Nga, đề nghị năm 2020, TNG phải tăng giá trị đơn hàng lên 15-20 triệu USD, gấp 3 lần so với mức hiện nay, tức là bằng giá trị công suất 1 nhà máy.

Cái khó "ló" cái khôn

Là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) có mô hình bán lẻ đa dạng hơn 300 điểm bán gồm: hệ thống siêu thị Co-op Mart, chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food, đại siêu thị Co.opXtra, kênh mua sắm qua truyền hình HTVCo.op… Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Saigon Co.op khuyến khích người tiêu dùng đặt hàng online, mua sắm qua truyền hình HTV Co.op hoặc điện thoại đến siêu thị để mua hàng. Đơn vị này đã tăng cường dịch vụ bán hàng, giao hàng tận nhà. Ngoài ra, Saigon Co.op đã triển khai cung cấp suất ăn cho người dân tại các khu cách ly. Hàng ngày, hệ thống bán lẻ thuộc Saigon Co.op là Co.opmart và Co.opXtra cung cấp hơn 10.000 suất ăn với thực đơn hơn 60 món. Thực đơn của Saigon Co.op cung cấp bảo đảm từ món chay đến món mặn, phong phú theo từng thời điểm trong ngày nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của người cách ly.

Doanh nghiệp thời Covid -19: Biến “nguy” thành “cơ” - Ảnh 3.

Sản phẩm khẩu trang đã giúp phần tăng doanh thu, tạo việc làm cho người lao động.

Còn đối với Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), trước kia trong bối cảnh kinh doanh thông thường thì ngoài mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn, doanh nghiệp rất chú trọng cung ứng ra thị trường các mặt hàng tươi sống như thịt heo các loại, trứng gà tươi... Nhưng hiện nay, không ít khách hàng đang có tâm lý tích trữ các loại lương thực thực phẩm để được lâu vì lo sợ dịch Covid-19 có thể còn kéo dài, diễn biến phức tạp, vì vậy, công ty đang đẩy mạnh sản xuất các loại thực phẩm như đồ hộp các loại, xúc xích, lạp xưởng, giò chả, thịt xông khói...

Ông chủ chuỗi nhà hàng ăn uống trên địa bàn Thái Nguyên Phạm Thành Long cho biết, trong bối cảnh lượng khách hàng đến ăn uống giảm mạnh tới trên 50% so với thời điểm trước khi có dịch. Để giữ chân khách hàng và tăng lượng hàng bán ra nhằm đảm bảo thu nhập nhân viên, các cửa hàng trong chuỗi đều đang tổ chức bán hàng qua mạng hoặc đặt hàng qua điện thoại, giao đồ ăn đến tận nhà khách. "Tuy việc bán hàng qua mạng còn mới mẻ nhưng cũng đã có nhiều đơn hàng đặt online" - ông Long cho hay.

Là cửa hàng chuyên cung cấp thực phẩm đóng hộp tại Hà Nội, để tăng lượng tiêu thụ hàng hoá trong bối cảnh người tiêu dùng ngại tiếp xúc chỗ đông người, cửa hàng đang đẩy mạnh bán hàng qua các kênh trực tuyến như mạng xã hội, Internet hoặc điện thoại tư vấn cho khách hàng để họ không phải đến cửa hàng. Chủ cửa hàng Nguyễn Minh Nguyệt cho biết: Sau khi có đơn hàng, chúng tôi tổ chức cho nhân viên hoặc qua đơn vị vận chuyển giao hàng đến tận nhà cho khách, nhờ đó đến nay lượng đơn hàng bán qua kênh này mỗi ngày tăng khoảng 15% - 20% so với thời điểm chưa có dịch bệnh COVID-19.