Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Doanh nghiệp viễn thông: giảm phí là hành động thiết thực để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

(Dân sinh) - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa tiếp tục có công văn số 168/HHNH-PLNV gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị giảm cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính - ngân hàng. Đây là lần thứ 3 trong vòng hơn 3 tháng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông điều chỉnh giảm giá cước tin nhắn.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kiến nghị giảm phí tin nhắn lần thứ 3. Trước đó, ngày 9/4/2020 và ngày 17/6/2020, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có công văn gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông về nội dung này. Tuy nhiên, đến nay Hiệp hội vẫn chưa nhận được thông tin kết quả xử lý của Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp viễn thông di động chưa có động thái giải quyết yêu cầu của các ngân hàng.

Giảm phí là hành động thiết thực để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp - Ảnh 1.

Hiệp hội Ngân hàng chưa nhận được thông tin về việc thực hiện giảm giá cước của các doanh nghiệp viễn thông cho các ngân hàng.

Doanh nghiệp viễn thông chưa thực hiện giảm phí tin nhắn SMS

Công văn của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, sau khi Hiệp hội gửi văn bản số 87/HHNH-PLNV ngày 9/4/2020 đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các công ty viễn thông giảm cước tin nhắn (SMS) đối với các dịch vụ tài chính – ngân hàng, ngày 20/4/2020, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông xem xét và báo cáo việc thực hiện giảm phí tin nhắn SMS cho các ngân hàng trước ngày 27/4/2020 nhưng các doanh nghiệp chỉ báo cáo: “Chưa thực hiện giảm phí”.

Tiếp đến ngày 14/5/2020, Cục Viễn thông đã tổ chức họp giữa các doanh nghiệp viễn thông di động và một số ngân hàng thương mại bàn về các nội dung có liên quan đến việc giảm phí SMS cho các ngân hàng thương mại.

Cục Viễn thông cũng đã có ý kiến yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông cân đối, xem xét lại giá cước tin nhắn SMS hiện có giá thành thấp (<200đ/tin nhắn) và theo Vietnammobile chi phí (giá cước) khoảng 300-500đ/tin nhắn là hợp lý. Do đó, nhiều ý kiến của ngân hàng, Cục Viễn thông và Hiệp hội Ngân hàng đề nghị: “Nếu các doanh nghiệp viễn thông không giảm được 50% phí (cước) tin nhắn thì có thể giảm về mức phí tương đương của Vietnammobile”.

“Kết luận cuộc họp, lãnh đạo Cục Viễn thông yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông thực hiện giảm giá tin nhắn và ngày 18/5/2020 có báo cáo đề xuất gửi về Cục Viễn thông. Song đến nay, Hiệp hội Ngân hàng chưa nhận được thông tin về việc thực hiện giảm giá cước của các doanh nghiệp viễn thông cho các ngân hàng”, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết.

Giảm phí là hành động thiết thực để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Theo thông tin từ các ngân hàng, chi phí cấu thành của dịch vụ viễn thông trong các nghiệp vụ chính của ngân hàng gồm: Xác minh khách hàng đăng ký dịch vụ, ít nhất có 2 SMS (OTP xác thực thông tin số điện thoại của khách hàng; gửi thông tin đăng ký thành công); giao dịch thanh toán, ít nhất có 2 SMS (OTP xác thực giao dịch; thông tin báo biến động số dư); giao dịch rút tiền, ít nhất có 1 SMS (gửi thông báo biến động số dư); yêu cầu hỗ trợ khác, ít nhất 3 SMS (Gửi cảnh báo giao dịch bất thường; OTP xác thực giao dịch; Gửi thông báo kết quả).

Giảm phí là hành động thiết thực để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp - Ảnh 2.

Giảm phí là hành động thiết thực để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Trong khi đó, cơ cấu phí thu từ khách hàng, phí SMS banking được ngân hàng thu 1 lần/tháng, từ 5.500 đồng/tháng đến 8.800 đồng/tháng, chỉ một số ít ngân hàng thu 11.000 đồng/tháng. Thậm chí, nhiều ngân hàng đang áp dụng chính sách miễn phí cho khách hàng (phí quản lý tài khoản, phí chuyển tiền, phí SMS banking, phí phát hành thẻ, phí rút tiền tại ATM...), nhằm tăng tiện ích công nghệ cho khách hàng, người dân và đẩy mạnh chuyển đổi sang giao dịch trực tuyến.

Thực tế một ngân hàng miễn phí cho khách hàng đang phải chi trả và chịu lỗ chi phí tin nhắn bình quân là 1.640 đồng/giao dịch thanh toán. Bình quân mỗi khách hàng có từ 15 - 20 giao dịch/tháng, tương đương 25 – 30 tin nhắn/tháng, thì mức chi cho phí SMS khoảng 20.000 - 25.000đ/tháng (trong khi ngân hàng chỉ thu tối đa của khách hàng là 11.000 đồng/tháng).

Giá cước tin nhắn mà các doanh nghiệp viễn thông đang áp dụng đối với ngân hàng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường. “Hàng tháng, một ngân hàng quy mô nhỏ phát sinh khoảng 9 - 11 triệu tin nhắn/tháng phải trả doanh nghiệp viễn thông từ 7,5 - 9 tỷ đồng/tháng” công văn của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nêu rõ.

Giảm phí là hành động thiết thực để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp - Ảnh 3.

Hiệp hội Ngân hàng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo quyết liệt để các doanh nghiệp viễn thông thực hiện việc giảm phí.

Theo thông tin từ các ngân hàng, dịch vụ tin nhắn là dịch vụ thiết yếu phải có đối với giao dịch tài chính ngân hàng và dung lượng tăng dần qua các năm. Đơn cử, số liệu từ 1 trong 4 ngân hàng có quy mô lớn nhất thị trường cho thấy: năm 2017 là 365,58 triệu tin; năm 2018 là 473,62 triệu tin; năm 2019 là 635,48 triệu tin; 5 tháng đầu năm 2020 là 320,38 triệu tin. Với tổng sản lượng 3 năm và 5 tháng đầu năm 2020 xấp xỉ 1.900 triệu tin, ngân hàng này cho biết, chi phí trả cho các doanh nghiệp viễn thông khoảng gần 1.200 tỷ đồng. Căn cứ nhịp độ sản lượng tin nhắn năm nay, ước tính ngân hàng sẽ phải bù lỗ khoảng 500 tỷ đồng.

Từ thực tế tại các tổ chức hội viên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng: Nếu các nhà mạng áp mức giá thông thường khoảng 300 đồng/tin nhắn chi phí sẽ giảm khoảng 50%.

Trên cơ sở đó, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo quyết liệt để các doanh nghiệp viễn thông thực hiện việc giảm phí (cước) tin nhắn SMS đối với dịch vụ tài chính ngân hàng xuống bằng giá cước tin nhắn thông thường hoặc bằng 50% giá cước tin nhắn hiện nay hoặc bằng mức giá của Vietnammobile (280 - 400 đồng/tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng).

Trong bối cảnh các ngân hàng đang nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí… giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh: “Cần thiết phải có sự vào cuộc của doanh nghiệp viễn thông trong việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 11, tạo thuận lợi cho các ngân hàng thương mại có thể giảm phí, giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng cũng như thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thông qua việc tiếp tục giảm phí giao dịch thanh toán cho khách hàng”.