Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Độc đáo lễ Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer trên đất “chín rồng”

(Dân sinh) - Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng trên 1,3 triệu người Khmer sinh sống. Trong quá trình lao động sản xuất, hội nhập và phát triển, đồng bào Khmer vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Bản sắc văn hóa vô giá

Cộng đồng người Khmer sinh sống tập trung tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, trong đó, đông nhất là Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang... Đồng bào Khmer ở Nam Bộ đang kế thừa một di sản văn hóa vô giá, với nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo, như hát múa rô băm, nghệ thuật kịch hát dù kê, nghệ thuật điêu khắc, trang trí, hội họa, âm nhạc, văn học dân gian…

Dân tộc Khmer có nền văn hóa phát triển đa dạng, gắn liền với những tín ngưỡng mang sắc thái riêng, ảnh hưởng đậm nét văn hóa Ấn Độ và Phật giáo. Phật giáo đóng vai trò quan trọng và có vị trí cao nhất trong mọi lĩnh vực của đời sống người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Độc đáo lễ Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer trên đất “9 rồng” - Ảnh 1.

Bản sắc văn hóa vô giá của người Khmer trên vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long.

Văn hóa tín ngưỡng của người Khmer có những giá trị rất đặc biệt, mang bản sắc rất riêng thông qua các nghi lễ vòng đời; là một chuỗi những nghi lễ khá cầu kỳ được lưu giữ qua một số hình thức lễ hội, như Tết Chol Thnăm Thmây, ngày Choôl Sâng-Kran Thmây, ngày Vônabat và còn có đến gần 30 ngày lễ khác nhau bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian và Phật giáo…

Lễ Chol Chnam Thmay còn gọi là lễ Vào năm mới là một trong những di sản văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer đã và đang được gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị. Lễ Chol Chnam Thmay có ý nghĩa rất quan trọng đối với đồng bào Khmer vì đây vừa là ngày mở đầu năm mới, mở đầu thời vụ mới, cũng là ngày hạnh phúc tươi vui

Lễ Chôl Chnam Thmay của đồng bào Khmer Nam Bộ chỉ diễn ra trong ba ngày vào giữa tháng 4 Dương lịch. Tùy theo năm, Chol Chnam Thmay được tổ chức trong các ngày từ 13-15/4 (đối với năm nhuận) hoặc 14-16/4 với nhiều nghi thức.

Chị Đinh Thị Thu (52 tuổi, Trà Vinh), chia sẻ: "Chol Chnam Thmay" là câu nói quen thuộc của người Khmer giống như người Việt nói "ăn Tết" và được các thế hệ người Khmer duy trì, gìn giữ. Vào mỗi dịp Tết Chol Chnam Thmay, mỗi gia đình người Khmer sum vầy bên nhau, cùng trang hoàng nhà cửa, dành thời gian đi chúc Tết ông bà, lên chùa làm lễ, cầu mong năm mới gặp nhiều may mắn.

Độc đáo lễ Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer trên đất “9 rồng” - Ảnh 2.

Trẻ em và người dân khmer vui mừng trong những ngày Lễ Chol Chnam Thmay.

Trong ngày đầu năm mới, người Khmer chuẩn bị vật phẩm như, nhang, đèn, hoa quả mang đến chùa để làm lễ đón chào năm mới, làm lễ rước Đại lịch Maha Sangkran. Maha Sangkran được hiểu như vị hành khiển trong ngày Tết năm mới.

Cứ mỗi năm, đồng bào Khmer lại đón một vị Maha Sangkran cai quản và trông coi mọi việc của năm đó.

Ngày thứ hai của lễ Chol Chnam Thmay là ngày Phật tử dâng cơm cho sư sãi vào buổi sáng và buổi trưa ở chùa.

Buổi chiều, mọi người đến chùa làm lễ đắp núi cát để mong gặp nhiều điều may mắn, tốt lành trong năm mới và cầu mong có những cơn mưa cho mùa màng tốt tươi. Ngày nay, trong một số chùa của người Khmer ở Nam Bộ có thay hình thức đắp núi cát bằng đắp núi lúa.

Ngày thứ ba của lễ Chol Chnam Thmay sẽ diễn ra nghi lễ tắm tượng Phật. Đây là nghi lễ quan trọng và thiêng liêng đối với đồng bào Khmer.

Nghi lễ tắm tượng Phật liên quan nhiều đến tâm thức ứng xử với nước của người Khmer, với ý nghĩa rửa sạch hết muộn phiền trong năm cũ để sang năm mới được thanh sạch, vui vẻ hơn.

Nước thơm sau khi tắm Phật, đồng bào Khmer mang về nhà tắm cho người lớn tuổi để cầu chúc sức khỏe, bình an, mong một năm mới tất cả gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.

Luôn bảo tồn và phát triển

Có dịp trò chuyện với người Khmer đang sinh sống ở các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi nhận thấy, người Khmer luôn tự hào, trân trọng và có ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán mang đậm bản sắc của dân tộc mình.

Chị Đinh Thị Diệu ở ấp Bưng Thum, xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: "Chol Chnam" là câu nói quen thuộc của người Khmer giống như người Việt nói "ăn Tết" và được các thế hệ người Khmer duy trì, gìn giữ.

Vào mỗi dịp Tết Chol Chnam Thmay, gia đình Diệu lại sum vầy bên nhau. Mọi người cùng trang hoàng nhà cửa, dành thời gian đi chúc Tết ông bà, lên chùa làm lễ, cầu mong năm mới gặp nhiều may mắn. Để chuẩn bị cho ngày Tết, trước đó các gia đình sẽ làm nhiều loại bánh truyền thống như bánh Tét, bánh Nước tro, bánh Gừng, bánh Dừa… Với những người trẻ như Diệu, Tết Chol Chnam Thmay luôn im đậm trong tiềm thức và Diệu luôn tự hào giới thiệu tới bạn bè về nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Độc đáo lễ Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer trên đất “9 rồng” - Ảnh 3.

Người Khmer luôn tự hào, trân trọng và có ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán mang đậm bản sắc của dân tộc mình.

Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer, các cấp, các ngành ở Đồng bằng sông Cửu Long cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nhân lực nòng cốt trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Khmer, đề cao vai trò của các sư sãi, nghệ nhân, Người có uy tín trong cộng đồng, bồi dưỡng, tập huấn, hỗ trợ công tác truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống dân tộc của cộng đồng, xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao… để từ đó nâng cao ý thức của đồng bào trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.