Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Độc hại nghề kiểm duyệt YouTube: Xem 300 video 'bẩn'/ngày, được khuyên ‘dùng chất gây nghiện’, ‘tin vào Chúa’

Hàng nghìn người kiểm duyệt nội dung YouTube dành nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày để xem những video đáng lo ngại như: Hiếp dâm, tra tấn, giết người, tự sát.

Mới đây, Jane Doe - cựu kiểm duyệt nội dung của YouTube đã đâm đơn kiện công ty cũ tại Tòa thượng thẩm California (Mỹ) vì không cung cấp nơi làm việc an toàn và không bảo vệ sức khỏe tâm thần của nhân viên, dẫn tới việc cô bị chấn thương về tâm lý nghiêm trọng, bao gồm trầm cảm và tình trạng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).

Cụ thể hơn, Doe tuyên bố YouTube đã "không thực hiện các tiêu chuẩn an toàn tại nơi làm việc và yêu cầu người kiểm duyệt làm việc trong những điều kiện mà công ty biết rằng sẽ gây ra vấn đề tâm lý".

Doe làm kiểm duyệt nội dung YouTube thông qua công ty nhân sự Collabera từ tháng 1/2018 đến 8/2019. Với việc đệ đơn, cô muốn YouTube thực hiện các nguyên tắc an toàn cho nhân viên mạnh mẽ hơn cũng như thành lập một quỹ để trang trải chi phí y tế cần thiết để chẩn đoán và điều trị cho những người kiểm duyệt như cô.

Hiện YouTube và Collabera vẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận về sự việc trên.

Độc hại nghề kiểm duyệt YouTube: Xem 300 video bẩn/ngày, được khuyên ‘dùng chất gây nghiện’, ‘tin vào Chúa’ khi bị chấn thương tâm lý nghiêm trọng - Ảnh 1.

YouTube bị nhân viên cũ kiện vì không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn tại nơi làm việc.

Tại YouTube, hàng nghìn người kiểm duyệt nội dung dành nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày để xem những video đáng lo ngại như: Hiếp dâm, tra tấn, giết người, tự sát. Theo đơn kiện, số lượng video nhân viên kiểm duyệt phải xem hàng ngày có thể từ 100 đến 300.

Trên thực tế, từ lâu YouTube đã thừa nhận các rủi ro về sức khỏe tâm thần mà video trên nền tảng này gây ra cho người kiểm duyệt và thậm chí công ty còn đưa ra những phương pháp để giúp giảm thiểu tác động xấu đến tâm lý của nhân viên.

Dù vậy, Doe cho biết YouTube đã giảm thiểu mức độ rủi ro đó trong quá trình đào tạo và yêu cầu người kiểm duyệt làm nhiều giờ hơn thông thường và tìm cách "bịt miệng" khi họ nêu ra những bất cập trên.

Cô trình bày trong đơn kiện rằng người kiểm duyệt được cho biết họ "có thể được yêu cầu xem nội dung độc hại" mỗi ngày và "có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần" nhưng không được minh họa cụ thể.

Ngoài ra, cô cáo buộc YouTube liên tục từ chối triển khai các tính năng do người kiểm duyệt yêu cầu để giúp việc đánh giá nội dung video trở nên ít gây khó chịu hơn.

Đơn khiếu nại của cô cũng đặt ra vấn đề với các "huấn luyện viên chăm sóc sức khỏe" mà YouTube cung cấp để hỗ trợ tâm lý, những người được cho là không có mặt để giúp người kiểm duyệt vào ca tối.

Ngay cả người đã gặp họ cũng không nhận được bất kỳ dịch vụ chăm sóc y tế tại chỗ nào vì đây không phải bác sĩ và không thể chẩn đoán hay điều trị các vấn đề rối loạn sức khỏe tâm thần.

Doe kể lại lần gặp một huấn luyện viên năm 2018, người này đã khuyên cô "dùng thuốc gây nghiện bất hợp pháp" để xử lý vấn đề gặp phải. Một đồng nghiệp của cô nói rằng anh được khuyên "Hãy tin tưởng vào Chúa".

Đồng thời, người kiểm duyệt lo ngại cuộc trò chuyện của họ với huấn luyện viên sẽ bị báo cáo với ban quản lý. Họ cũng không thể nói ra bên ngoài bởi Collabera yêu cầu "không được nói về nội dung hoặc điều kiện làm việc với bất kỳ ai ngoài nhóm đánh giá của họ".

Do sẽ mất bảo hiểm chăm sóc sức khỏe nếu nghỉ việc nên Doe cho biết người kiểm duyệt nội dung phải đối mặt với tình huống khó xử: Nghỉ việc và mất thu nhập cũng như bảo hiểm y tế hoặc tiếp tục chịu đựng trong im lặng.

Không riêng YouTube, Facebook trước đó cũng bị một nhân viên kiểm duyệt nội dung video đệ đơn kiện vào năm 2018 với cáo buộc tương tự. Tháng 5 năm nay, Facebook đã đồng ý trả tổng cộng 52 triệu USD cho những người kiểm duyệt gặp phải tình trạng sức khỏe tâm thần trong công việc.