Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đối thoại xã hội ASEAN 11: Đại dịch tác động tới sự ổn định của thị trường lao động

(Dân sinh) - Chủ đề của Đối thoại lần này phù hợp với chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN, trong đó nhấn mạnh việc hỗ trợ người lao động ứng phó và giúp họ chủ động thích ứng với các tác động của đại dịch Covid-19, đồng thời xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng hơn sau đại dịch.

Ngày 17 - 18/12/2020, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Hội đồng Công đoàn dịch vụ các nước ASEAN (ASETUC) tổ chức Đối thoại Xã hội ASEAN lần thứ 11 với chủ đề "Xây dựng lại một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng sau đại dịch Covid-19".

Đối thoại xã hội ASEAN 11: Đại dịch tác động tới sự ổn định của thị trường lao động - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) chủ trì Đối thoại tại điểm cầu Việt Nam.

Thúc đẩy các giải pháp bền vững, từ cấp cộng đồng đến toàn cầu

Tham dự trực tiếp có đại diện tới từ các Bộ, ngành liên quan tại Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các trường đại học, tổ chức quốc tế và chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực lao động tại Việt Nam.

Tham dự trực tuyến ở các điểm cầu có các đầu mối của Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về Lao động (SLOM), Ban thư ký ASEAN, đại diện các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động ASEAN, ASETUC, các tổ chức quốc tế trong khu vực.

Đối thoại xã hội ba bên được tổ chức thường niên giữa các đối tác xã hội là một công cụ chính để xây dựng và thực hiện các giải pháp bền vững, từ cấp cộng đồng đến toàn cầu.

Mục tiêu của Đối thoại nhằm củng cố các ứng phó của các đối tác xã hội về các vấn đề mới nổi cũng như tăng cường đối thoại xã hội và thúc đẩy một chương trình làm việc phù hợp để hỗ trợ tầm nhìn chung của ASEAN. Đây cũng là diễn đàn trao đổi các thông lệ tốt về các vấn đề lao động trong khu vực.

Phát biểu khai mạc Đối thoại, ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế nhấn mạnh chủ đề của Đối thoại lần này phù hợp với chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN, trong đó nhấn mạnh việc hỗ trợ người lao động ứng phó với đại dịch, nhằm giúp người lao động có thể chủ động thích ứng với các tác động của đại dịch, đồng thời xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng hơn sau đại dịch.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Cường, cuộc khủng hoảng Covid-19 đang ảnh hưởng đến hàng triệu công ty trên toàn thế giới dẫn đến phá sản không thể tránh khỏi, đặc biệt là trong các lĩnh vực hàng không, du lịch, khách sạn và bán lẻ.

Đối thoại xã hội ASEAN 11: Đại dịch tác động tới sự ổn định của thị trường lao động - Ảnh 2.

Toàn cảnh Đối thoại Xã hội ASEAN lần thứ 11 tại điểm cầu Hà Nội (Việt Nam).

Viện dẫn số liệu của ILO, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế cho biết, hơn 81% lực lượng lao động toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất việc làm toàn bộ hoặc một phần.

Theo đó, thông qua các nội dung trao đổi tại Đối thoại, ông Nguyễn Mạnh Cường hy vọng các đại biểu tham dự sẽ có cơ hội hiểu biết hơn về tình hình đại dịch Covid-19 cũng như các nỗ lực của các nước trong việc hỗ trợ người lao động di cư trong bối cảnh đại dịch, đồng thời sớm thống nhất về các khuyến nghị ở cấp khu vực của Đối thoại.

Hỗ trợ người lao động ứng phó với đại dịch 

Với chủ đề "Xây dựng lại một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng sau đại dịch Covid-19", Đối thoại đã tập trung thảo luận 2 nội dung chính bao gồm: Covid-19 và các tác động tới thế giới công việc; Xây dựng lại ASEAN tốt hơn.

Trong nội dung thứ nhất, đại diện chính phủ In-đô-nê-xia, Hiệp hội của người sử dụng lao động Philippine và đại diện Văn phòng khu vực của Tổ chức UNI Apro đã chia sẻ thông tin tổng quan về tác động của đại dịch tới sự ổn định của thị trường lao động, khuynh hướng chính của việc làm, cách thức bố trí công việc mới, chất lượng và điều kiện làm việc và sự mở rộng của an sinh xã hội.

Cụ thể, ông Apolina Z. Tolentino, đại diện khu vực Châu á - TBD, Tổ chức Quốc tế trong ngành xây dựng và ngành gỗ bày tỏ quan ngại, sinh kế của người dân từ đầu năm lao đao và hầu hết các ngành đều bị ảnh hưởng Covid-19.

Khung phục hồi toàn thể ASEAN, bao gồm phòng chống dịch bệnh, xây dựng chiến lược để đưa ASEAN phục hồi trong dài hạn và 5 chiến lược liên quan, gồm: Tăng cường y tế, kết nối thị trường ASEAN, thúc đẩy chuyển dịch kỷ nguyên số, xây dựng cộng đồng ứng phó và chịu đựng  hơn nữa. Đặc biệt, các chính sách thị trường lao động cũng được đưa vào khung phục hồi tổng thể này.

Đại diện tại các điểm cầu ASEAN phát biểu tại Đối thoại xã hội ASEAN lần thứ 11 được tổ chức trực tuyến

Ông Jose Roland A.Moya, Liên minh giới chủ Philipines trong bài phát biểu về "Covid-19 và tác động tới thế giới việc làm" cho rằng, đại dịch đòi hỏi tái cơ cấu các ngành tự động, cả về quy mô cũng như yêu cầu về ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ.

Ông dự báo, nhiều công ty đã thành công rất có thể sẽ bị lỗi thời và trong tương lai sẽ không thành công nữa.

Vì vậy, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi cách làm việc trong thời đại số, ứng dụng công nghệ số để người lao động làm việc vừa an toàn, vừa thích ứng hoàn cảnh, nhất là bối cảnh dịch bùng nổ và cũng khó có thể nói rằng sẽ không có các đại dịch tương tự trong tương lai.

"Tất cả đều phải được dự tính để ứng phó", ông A.Moya nhấn mạnh.

Theo đại diện Liên minh giới chủ Philipines, nhiều người sử dụng lao động Philipines ban đầu lo lắng về việc mở lại nơi làm việc cũng như đến nơi làm việc trong bối cảnh dịch bệnh nhưng Liên minh đã hỗ trợ, nâng cấp, số hóa hoạt động, dịch vụ cho các doanh nghiệp của họ.

Cùng với đó là tổ chức các khóa học liên quan, cung cấp các kỹ năng và thúc đẩy quan hệ đối tác liên tục nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp… "Cố gắng thích ứng, số  hóa các hoạt động, thay vì tổ chức các hoạt động kinh doanh truyền thống đã giúp các doanh nghiệp nước này duy trì hoạt động và giúp người lao động có thu nhập trong bối cảnh khó khăn do đại dịch gây ra", ông nói.

Đề xuất những khuyến nghị

Ngoài ra, các đại diện khác cũng đề xuất những khuyến nghị dành cho các đối tác ba bên nhằm góp phần vượt qua những thách thức mới nổi trong việc đảm bảo việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người.

Các đại diện của các nước ASEAN đều đồng quan điểm cho rằng, người lao động phi chính thức và người lao động di cư là những đối tượng chịu ảnh hưởng mạnh nhất của đại dịch vì họ không nằm trong các thương lượng tập thể chính thức cũng như không nhận được sự đảm bảo đầy đủ về an sinh xã hội tại các nước thành viên.

Về nội dung thứ hai liên quan tới xây dựng lại Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, đại diện Chính phủ Việt Nam, đại diện UNESCAP, Hiệp hội người lao động In-đô-nê-xia cũng đã chia sẻ các sáng kiến trong việc xây dựng lại ASEAN sau đại dịch, đặc biệt xây dựng lực lượng lao động chủ động thích ứng hơn và đảm bảo hoạt động bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tại Đối thoại, đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chia sẻ về các khuynh hướng toàn cầu trong tương lai việc làm, các ứng phó của các nước thành viên ASEAN, cũng như các ứng phó của Việt Nam đối với các tác động này.

Đại diện Bộ Lao động -  Thương binh và Xã hội đặc biệt nhất mạnh về các giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của Việt Nam. Cụ thể gồm có:

Về ngắn hạn: Thúc đẩy lực lượng lao động, đảm bảo việc làm, ổn định thị trường lao động.

Về trung hạn: Chuyển đổi lực lượng lao động, nâng tầm kỹ năng, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.

Về dài hạn: Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phục hồi toàn diện và đảm bảo bảo hiểm xã hội toàn dân.

Dựa trên cơ sở thảo luận, các khuyến nghị khu vực của Đối thoại đã được đưa ra nhằm cung cấp thêm các gợi ý cho các quốc gia thành viên ASEAN trong việc chủ động ứng phó các tác động của Covid-19 hoặc bất kỳ đại dịch nào khác có thể xuất hiện trong tương lai.

Khuyến nghị của Đối thoại sẽ góp phần hiện thực hóa các cam kết của các Bộ trưởng Lao động ASEAN cũng như Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN được các nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 vừa qua.