Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia

(Dân sinh) - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2015/NĐ-CP ngày 24/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (KNNQG).

Đơn giản hóa TTHC trong đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2015/NĐ-CP trên quan điểm tạo lập cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ về các điều kiện đầu tư hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (KNNQG), bao gồm: Điều kiện cấp, cấp lại, cấp đổi, bổ sung giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG; thẻ đánh giá viên KNNQG; cấp, cấp lại, cấp đổi chứng chỉ KNNQG; trao quyền tự chủ, gắn với trách nhiệm giải trình của các tổ chức đánh giá KNNQG.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, trách nhiệm giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước và xã hội trong hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG; xử lý trách nhiệm nếu vi phạm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào triển khai hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG; thực hiện các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, dự thảo Nghị định không quy định điều kiện mới, thủ tục hành chính (TTHC) mới mà nghiên cứu, rà soát để bãi bỏ, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện, TTHC trong hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG.

5 nhóm vấn đề sửa đổi, bổ sung

Dự thảo Nghị định tập trung vào 5 nhóm vấn đề sửa đổi, bổ sung như sau:

1- Nhóm vấn đề quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ, hình thức gửi hồ sơ đối với việc thực hiện hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG.

Dự thảo Nghị định đã cắt giảm điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị, nhân lực đăng ký cấp giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG; thành phần hồ sơ của 3 TTHC; biểu mẫu trong thành phần hồ sơ của 3 TTHC (14 biểu mẫu); hình thức gửi hồ sơ gồm trực tuyến, bưu điện, trực tiếp.

2- Nhóm vấn đề quy định về mở rộng đối tượng tham dự đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG và tham gia khóa đào tạo để cấp thẻ đánh giá viên.

Dự thảo sửa đổi một quy định mâu thuẫn về điều kiện tham dự kỳ đánh giá KNNQG; bổ sung mở rộng phạm vi đối tượng tham gia khóa đào tạo để cấp thẻ đánh giá viên.

3- Nhóm vấn đề quy định về cơ chế triển khai thực hiện, tăng quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG trong hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG.

Dự thảo bổ sung quyền tự chủ, gắn với trách nhiệm giải trình của các tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện các TTHC theo hướng công khai, minh bạch, chuyển từ cơ chế “tiền kiểm” sang cơ chế “hậu kiểm” các điều kiện bảo đảm tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và ngành công nghiệp trong thời kỳ mới.

Dự thảo Nghị định đã phân cấp thêm quyền cho cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG và bổ sung chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đánh giá KNNQG.

4- Nhóm vấn đề quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG.

Để bảo đảm tính công khai, minh bạch, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thực hiện TTHC hướng tới Chính phủ điện tử và chuyển đổi số, dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung các quy định để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện TTHC: thực hiện đăng ký theo hình thức trực tuyến qua dịch vụ công trực tuyến; công bố thông tin về chứng chỉ KNNQG bảo đảm công khai, minh bạch đồng thời phục vụ việc xác minh chứng chỉ qua trang thông tin điện tử; quy định về việc xây dựng, quản lý thông tin về định danh cá nhân về trình độ kỹ năng nghề.

5- Nhóm vấn đề quy định về tăng cường trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương và xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân.

Dự thảo Nghị định đã bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan; trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhằm tăng cường tham gia vào hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG, chuẩn hóa và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động; tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC.

Bên cạnh đó, quy định rõ về việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm các quy định về đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG.