Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Động đất 3 độ Richter tại tỉnh Hà Giang

Sáng nay 28/11, trận động đất có độ lớn 3.0 xảy ra tại tỉnh Hà Giang, trận động đất không gây thương vong về người và tài sản

dong-dat-ha-giang-16695994123451623635953

Theo Sức khỏe và Đời sống, Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vừa phát đi thông báo động đất. Theo đó, vào lúc 22 giờ 42 phút 36 giây (GMT), ngày 27/11/2022, tức 05 giờ 42 phút 36 giây, ngày 28/11/2022 (giờ địa phương), trận động đất có độ lớn 3.0 xảy ra ở tọa độ: 22.819N-104.989E, độ sâu chấn tiêu khoảng 12 km, cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 0

Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang theo dõi diễn biến trận động đất này.

Trên lãnh thổ và thềm lục địa Việt Nam có các hệ thống đứt gẫy hoạt động và được gọi theo tên các con sông lớn như sông Hồng, sông Chảy, sông Mã, sông Đà, sông Cả. Trong đó đáng chú ý nhất là các hệ đứt gẫy chạy theo phương Tây Bắc - Đông Nam trên lãnh thổ miền Bắc và hệ thống đứt gẫy Kinh tuyến 109° chạy dọc theo bờ biển miền Trung và Nam Trung Bộ v.v... Các đứt gãy này tạo ra 45 vùng nguồn phát sinh động đất trong đó có 09 vùng nguồn phát sinh sóng thần trên khu vực Biển Đông.

Báo Tiền phong cũng đưa tin, trong tháng 11, một số khu vực trên cả nước ghi nhận động đất nhẹ xảy ra. Trong đó, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum tiếp tục là điểm nóng với gần 20 trận động đất ghi nhận ở khu vực này.

 Động đất tại Kon Plông là động đất kích thích, xảy ra do hoạt động tích nước của hồ chứa thủy điện. Hàng trăm trận động đất đã xảy ra ở khu vực này thời gian qua, trong đó trận động đất mạnh nhất đạt cường độ 4,7, gây rung chấn ở một khu vực rộng lớn. Các chuyên gia nhận định, động đất sẽ còn tiếp diễn và kéo dài ở khu vực này.

Tháng 11 cũng ghi nhận một trận động đất xảy ra tại Mường Tè, Điện Biên với cường độ nhỏ. Đây cũng là khu vực có hoạt động địa chấn mạnh ở nước ta với nhiều trận động đất ghi nhận trong lịch sử.