Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Dòng họ, bản làng không có hộ nghèo

Để những nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo bền vững phát huy tối đa hiệu quả, nhất là ở các khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng “lõi nghèo”, phong trào “dòng họ, bản, làng không có hộ nghèo” là giải pháp để người dân bớt trông chờ, ỷ lại, tự ý thức vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thừa Thiên - Huế tìm cách phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng thôn, trưởng bản trong giảm nghèo bền vững.

Thừa Thiên - Huế tìm cách phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng thôn, trưởng bản trong giảm nghèo bền vững.

Thung lũng nghèo bên dòng Đăq Pling

Sau nhiều năm triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều địa phương tại Thừa Thiên - Huế đã có những bước chuyển biến tích cực, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Các mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia chuyển biến tích cực; hình thành nhiều vùng trồng trọt và chăn nuôi theo hướng hàng hóa, như vùng cao su chuyên canh, vùng trồng chuối hàng hóa, gạo đặc sản và chăn nuôi bò vàng hàng hóa, vùng gỗ nguyên liệu từ rừng trồng... Tuy nhiên, ở những vùng “lõi nghèo”, nhất là vùng rẻo cao A Lưới, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao. Tại đây, một số địa bàn và người dân còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa tự nỗ lực vươn lên thoát khỏi tình trạng nghèo đói.

Một trong những vùng “lõi nghèo” ở A Lưới hiện nay là thung lũng Ta Ay Ta (xã Trung Sơn) nằm dưới chân dãy Trường Sơn, bên dòng Đăq Pling (sông A Lin). Dù nằm bên bờ sông A Lin, nhưng vùng đất này tương đối cằn cỗi, với hơn 96% dân cư là người Pa Cô. Bà Hồ Thị Ngân, Trưởng thôn Ta Ay Ta cho biết, toàn thôn có 222 hộ/760 nhân khẩu, nhưng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm đến hơn 60%, với 114 hộ nghèo, 33 cận nghèo. Thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất là 2 nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao. “Cả thôn có 4,5ha đất trồng lúa nhưng đợt mưa lũ vừa qua đã làm bồi lấp, sạt lở phần lớn, giờ chỉ còn chưa đầy 3ha. Trong khi đó, diện tích trồng cây lâm nghiệp của bà con ít, đất đồi sỏi đá, chỉ phù hợp trồng cây keo tràm, 5 - 6 năm mới được thu hoạch”, bà Ngân chia sẻ.

Trong căn nhà nhỏ xây dựng từ năm 2006 nhờ nguồn tiền hỗ trợ bão lụt và vay nợ, anh Hồ Văn Phanh (39 tuổi), trải tấm chiếu sờn trên nền bê tông cũ, mời khách ngồi. Anh kể, gia đình đông anh chị em, kinh tế khó khăn, nên anh thất học sớm. Năm 2003, khi vừa tròn 20 tuổi, anh Phanh lập gia đình và ra ở riêng. Hằng ngày, họ đi làm thuê kiếm sống. 3 đứa con lần lượt chào đời trong sự túng thiếu. “Bình thường 2 vợ chồng đi bốc vác keo thuê, nhưng không ổn định. Thời gian không có việc, vợ chồng tôi đi soi ếch, bắt cá, vào rừng lấy mật ong, măng rừng về bán lấy” anh Phanh chia sẻ. 

Đa số người nghèo tại vùng “lõi nghèo” Thừa Thiên - Huế đều thiếu đất, vốn sản xuất, kinh doanh và không có việc làm ổn định.

Đa số người nghèo tại vùng “lõi nghèo” Thừa Thiên - Huế đều thiếu đất, vốn sản xuất, kinh doanh và không có việc làm ổn định.

Chỉ vào căn nhà gỗ xây bao, lợp mái tôn chưa hoàn thiện dưới chân cầu A Lin, Trưởng thôn Ta Ay Ta chua xót: “Nhìn vậy thôi nhưng thuộc diện hộ nghèo và nợ nhiều, đất ở do chị gái chia”. Đó là nhà của gia đình chị Phạm Thị Thi (34 tuổi). Sinh ra trong gia đình đông anh em tại thung lũng bên bờ Đăq Pling. Gia cảnh khó khăn nên đang học dở lớp 2, chị Thi đã phải nghỉ học. Năm 2012, chị nên duyên vợ chồng cùng anh Hồ Đại Hà, ở huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình) vào A Lưới làm thuê. Không tấc đất cắm dùi. Thương em, chị gái chia cho 200m2 đất. Hai vợ chồng cất căn nhà gỗ nhỏ. Vì nhà nhỏ, nền thấp, lại ở bên bờ sông nên thường xuyên bị mưa lũ đe doạ. Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, khi thuỷ điện A Lin B1 tích nước, mỗi khi lũ lớn, nước ngập đến nóc nhà. “Thương con nhỏ, vợ hay đau ốm, anh Hà quyết định vay tiền ngân hàng, công ty tài chính (FE Credit - PV), vay người thân đượchơn 150 triệu đồng làm nhà gỗ kiên cố”.

Trường hợp của anh Phanh, chị Thi là điển hình về cái khó, cái nghèo của người dân ở thôn Ta Ay Ta nói riêng, vùng cao tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung. Theo số liệu điều tra năm 2021 (chuẩn nghèo đa chiều) toàn huyện A Lưới có 7.022 hộ nghèo (chiếm 49,98%); 2.185 hộ cận nghèo (chiếm gần 16%). Đây cũng là 1 trong 74 huyện nghèo nhất cả nước giai đoạn 2021 - 2025, trong đó 16 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 25% trở lên, cá biệt có xã tỷ lệ hộ nghèo đến hơn 74%. Kết quả điều tra cho thấy, 7 nguyên nhân dẫn đến nghèo, trong đó 2 nguyên nhân cơ bản là không đất sản xuất và không vốn kinh doanh.

Khơi dậy ý chí tự vươn lên

“Vì sao A Lưới đã rất cố gắng, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao”? Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên - Huế bắt đầu bằng bài phát biểu như vậy tại lễ phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” ngày 25/10/2022 tại huyện A Lưới. “Từ thực tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân, nhưng ý chí vươn lên của người dân vẫn chưa thay đổi. Vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Đảng, Nhà nước. Cần phải thay đổi vấn đề này bằng sự đột phá cả trong suy nghĩ lẫn hành động. Thoát nghèo đối với từng hộ không chỉ là ý chí mà phải tạo công ăn việc làm, xóa nhà tạm cho người dân. A Lưới cần tăng cường công tác giám sát cộng đồng thông qua đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Các già làng, trưởng bản, trưởng thôn, người có uy tín phải thực sự nêu gương trong từng công việc làm cụ thể; tuyên truyền, động viên, nhắc nhở con cháu trong dòng họ, bản làng vươn lên trong cuộc sống, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động, sản xuất giữa các dòng họ, bản, làng để thoát nghèo bền vững”, ông Thọ chỉ đạo.

Thừa Thiên - Huế tìm cách phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng thôn, trưởng bản trong giảm nghèo bền vững

Thừa Thiên - Huế tìm cách phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng thôn, trưởng bản trong giảm nghèo bền vững

Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 2%; huyện A Lưới và 100% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Để đạt được mục tiêu, ngay từ đầu giai đoạn, tỉnh đề ra nhiều biện pháp, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực, như: Giảm nghèo theo địa chỉ, tạo địa chỉ nhân đạo trong giảm nghèo… đặc biệt là phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”. Trong phong trào này, Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao 200 con bò giống cho 200 hộ nghèo của huyện A Lưới và Nam Đông để giúp bà con xây dựng mô hình sinh kế. Riêng thôn Ta Ay Ta, xã Hồng Trung được phê duyệt 5 con bò giống.

Bò giống của phong trào “Dòng họ, bản, làng không có hộ nghèo” chưa về nhưng nhiều gia đình đã xây dựng chuồng nuôi

Bò giống của phong trào “Dòng họ, bản, làng không có hộ nghèo” chưa về nhưng nhiều gia đình đã xây dựng chuồng nuôi

Ngày chúng tôi đến, anh Hồ Văn Phanh hồ hởi dẫn ra thăm chuồng bò mới hoàn thiện. “Bò do Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao tặng gia đình đang trên đường về. Chúng tôi sẽ trồng cỏ voi, thay nhau chăm sóc để bò phát triển tốt”, anh Phanh hứng khởi khoe. Cũng như gia đình anh Phanh, nhà chị Thi đã làm xong chuồng bò trên mảnh đất chị gái vừa “cấp” thêm. “Tôi sẽ cố gắng đi làm, vợ ở nhà đưa con đi học, chăn thả bò tiện thể trông quán nước. Mỗi chiều về, tôi tranh thủ cắt bó cỏ cho bò. Với sự nỗ lực, chăm chỉ này tôi sẽ gầy dựng từ 1 con thành 2, 3 con, rồi cả đàn bò. Tôi mới mua 2 con heo giống về chăn nuôi thêm”, anh Hà, chồng chị Thi khoe.

“Không chỉ tuyên truyền mà còn phải làm thay đổi nhận thức của bà con trong giảm nghèo bền vững. Muốn vậy, phải làm sao để bà con thấy, tin và làm theo bằng công việc cụ thể, thiết thực”, già làng Hồ Văn Hạnh, xã Hồng Trung khẳng định. “Chúng tôi luôn nhắc nhở người dân trong họ là, hộ này làm ăn khá, cần phải chỉ bày cho hộ khó khăn hơn. Điều quan trọng là phải ý thức và phải siêng lao động để tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống. Thương yêu đùm bọc, tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng, trong dòng họ chính là sự kết nối giữa người dân với nhau. Có như vậy mới mong thoát nghèo và xóa nghèo bền vững”, già làng Quỳnh Thư, thôn A Roàng 2, xã A Roàng, A Lưới nói.