Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đồng Nai cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch

Song song đó, địa phương đang phải đối mặt với nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại khi ghi nhận nhiều ca mắc mới và có ca tử vong do COVID-19.

Áp lực của các bệnh viện tại Đồng Nai trong mùa dịch bệnh sốt xuất huyết.

Áp lực của các bệnh viện tại Đồng Nai trong mùa dịch bệnh sốt xuất huyết.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia y tế của tỉnh cảnh báo Đồng Nai có nguy cơ dịch chồng dịch nếu người dân không nâng cao ý thức chủ động phòng, chống dịch bệnh. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến ngày 5/7, toàn tỉnh ghi nhận hơn 8.600 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gần 5.200 ca so với cùng kỳ năm 2021. Số ca nhập viện do mắc sốt xuất huyết tăng ở tất cả 11/11 huyện, thành phố; đã có 7 ca tử vong. Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết trên baotintuc.vn, số bệnh nhi mắc bệnh sốt xuất huyết nhập viện những ngày qua liên tục tăng dẫn đến tình trạng quá tải. Bệnh viện phải huy động cơ sở vật chất, bác sĩ của những khoa khác tham gia điều trị cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết.

Theo đó, những trường hợp bệnh nhẹ, nghi ngờ được chuyển điều trị tại các Khoa Tim mạch, Huyết học, Thần kinh. Những trường hợp sốt xuất huyết cần theo dõi kỹ, có yếu tố nguy cơ như béo phì được điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Những trường hợp bệnh nặng, sốc, suy đa cơ quan được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc. Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, do lượng bệnh nhân quá tải, Bệnh viện đã phải kê thêm các ghế bố. Tuy nhiên, bệnh nhân nhập viện vẫn mỗi ngày đông. Bác sĩ Đồng Minh Hùng, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, khoa có 60 giường bệnh nhưng phải để lại 10 giường dự phòng tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19. Do đó, Khoa chỉ còn 50 giường bệnh để điều trị các bệnh truyền nhiễm, trong đó chủ yếu là sốt xuất huyết.

Theo Bác sĩ Đồng Minh Hùng, dịch bệnh sốt xuất huyết hiện đang rất “nóng”, bên cạnh đó dịch COVID-19 tuy đã được kiểm soát nhưng mới đây, biến thể phụ BA.5 của biến chủng Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam cho thấy dịch vẫn chưa kết thúc. Nguy cơ dịch chồng dịch rất cao. Càng khó khăn hơn khi nguồn nhân lực y tế đang thiếu trầm trọng. Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hiện chỉ có 7 bác sĩ, trong đó có 3 bác sĩ mới, một bác sĩ Phó khoa đã làm đơn xin nghỉ việc, Điều dưỡng trưởng của khoa đã nghỉ việc. Theo Sở Y tế Đồng Nai, năm 2019, toàn tỉnh có 104 bác sĩ và 156 điều dưỡng nghỉ việc ở các cơ sở y tế công lập. Năm 2020 có 80 bác sĩ và 131 điều dưỡng nghỉ việc. Từ tháng 11/2021 đến nay, 79 bác sĩ và 151 điều dưỡng đã xin nghỉ việc. Ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế Đồng Nai cho biết, sau nhiều tháng liên tiếp không ghi nhận ca tử vong do COVID-19, mới đây trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1 trường hợp tử vong. Đây là ca tử vong do COVID-19 thứ 1.964 của tỉnh Đồng Nai kể từ đầu dịch đến nay. 

Trẻ nằm điều trị sốt xuất huyết tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng - Đồng Nai.

Trẻ nằm điều trị sốt xuất huyết tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng - Đồng Nai.

Theo ông Lê Quang Trung, hiện, trung bình mỗi ngày địa phương chỉ ghi nhận dưới 10 ca mắc COVID-19. Điều này chứng tỏ dịch bệnh vẫn lưu hành trong cộng đồng. Nếu chủ quan, dịch có nguy cơ bùng phát dịch trở lại, đặc biệt là khi biến thể phụ BA.5 của biến chủng Omicron mới phát hiện. Cùng với đó, thời gian tiêm vaccine mũi 2, mũi 3 đã khá lâu, hiệu quả miễn dịch của vaccine giảm dần nên nguy cơ tái nhiễm trong cộng đồng là rất cao. Trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, ngành Y tế Đồng Nai đang khẩn trương phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng dịch.

Trước đó, chia sẻ với báo suckhoedoisong.vn, BS Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay: Người dân khi sốt cao liên tục 2 ngày, không đáp ứng thuốc hạ sốt thì nên đến cơ sở y tế gần nhất kiểm tra, xét nghiệm máu để được bác sĩ chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp. Vì hiện nay, nhiều trường hợp bệnh nhân do chủ quan cứ nghĩ mình bị cảm cúm nên mua thuốc về điều trị hoặc đến các phòng khám tư nhân truyền dịch, điều này dẫn đến nhiều trường hợp vào viện trong tình trạng tiền sốc, thậm chí đã sốc, chúng tôi phải cấp cứu, chống sốc tại chỗ".