Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đồng Nai: Thông qua 29 nghị quyết quan trọng và khơi thông nhiều “điểm nghẽn” trong phát triển KT-XH

Sau 2 ngày làm việc với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, ngày 10/12, Kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa X đã bế mạc. Đây là kỳ họp diễn ra ngay sau Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai khoá XI.

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Đồng Nai đã thông qua 29 Nghị quyết quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội. Một số nghị quyết mang tính sâu rộng, được cử tri và nhân dân quan tâm, có tác dụng khơi thông nhiều điểm nghẽn, tạo nền tảng cho sự phát triển trong năm 2023 cũng như cả giai đoạn 2021 - 2025, gồm: 18 nghị quyết liên quan lĩnh vực kinh tế, đầu tư, tài chính, ngân sách; 2 nghị quyết về danh mục dự án có thu hồi đất năm 2023; các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023; về biên chế công chức, viên chức năm 2023; về phát triển thanh niên Đồng Nai đến năm 2030; về chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực y tế tỉnh Đồng Nai và một số nghị quyết khác.

Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Thái Bảo nêu rõ, 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết đại hội đảng các cấp, để tiếp tục vượt qua những tồn tại, hạn chế, hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023, tạo tiền đề quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2020 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra, tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND tỉnh cần phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong tổ chức thực hiện các quy định, cơ chế, chính sách của chính quyền các cấp. Qua đó, đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đồng thời đề xuất giải pháp cho phù hợp và hiệu quả.

Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Thái Bảo.

Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Thái Bảo.

Trong ngày 10/12, kỳ họp đã tiến hành thảo luận tại hội trường, chất vấn và trả lời chất vấn về những vấn đề cử tri quan tâm. HĐND tỉnh sẽ thực hiện chất vấn 9 nội dung, vấn đề liên quan đến trách nhiệm của 15 lãnh đạo sở, ngành, địa phương. Trong đó, 5 nội dung sẽ chất vấn trực tiếp tại kỳ họp gồm: Việc xây dựng các khu tái định cư phục vụ các công trình trọng điểm; việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh; tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết; tình hình ngập nước tại đô thị và hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa.

 

Năm 2023, tỉnh Đồng Nai phấn đấu đạt tổng cộng 29 chỉ tiêu đề ra. Trong đó, tốc độ tăng trường kinh tế( GRDP) tăng 7,5 - 8,5% so với năm 2022, trong đó GRDP bình quân đầu người đạt 145 - 150 triệu đồng/người. Kim ngạch xuất khẩu tăng 8 - 8,5%. Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội khoảng 116 ngàn tỷ đồng.

Tại phiên khai mạc, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay HĐND tỉnh đã không ngừng đổi mới, nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Hơn 1 năm, đã tổ chức 10 kỳ họp gồm 4 kỳ thường lệ và 6 kỳ họp chuyên đề, với những đổi mới cả tư duy và phương thức hoạt động. Nhất là giai đoạn đầu kỳ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. HĐND tỉnh đã thảo luận, xem xét và quyết định thông qua 144 nghị quyết gồm 54 nghị quyết quy phạm pháp luật và 92 nghị quyết cá biệt và nhiều nội dung quan trọng khác.

Kỳ họp thứ 10 này diễn ra chỉ sau 1 ngày của Hội nghị lần thứ 10 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh. Với nhiều quyết sách quan trọng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, quốc phòng an ninh. Năm 2022, mặc dù mới trải qua những ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 nhưng tỉnh Đồng Nai đã đạt những bước tiến vượt bật trong kinh tế - xã hội. Kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khá cao, đạt 9,22% (vượt mục tiêu nghị quyết); tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 63 ngàn tỷ đồng (vượt dự toán Trung ương giao); tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 105 ngàn tỷ đồng (vượt mục tiêu nghị quyết). Văn hóa - xã hội được quan tâm chăm lo và có nhiều tiến bộ. Quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác cải cách tư pháp, nội chính, phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được quan tâm chỉ đạo…

Cử tri và nhân dân cũng băn khoăn về công tác điều hành chính sách bình ổn giá xăng dầu.

Cử tri và nhân dân cũng băn khoăn về công tác điều hành chính sách bình ổn giá xăng dầu.

“Đồng Nai đã đạt và vượt 24/32 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh theo Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra trong năm 2022 (trong đó có 2 chỉ tiêu chưa có kết quả đánh giá). Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để chúng ta tiếp tục phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2023 và của cả nhiệm kỳ 2021 - 2026. Những kết quả đạt được nêu trên rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh tình hình chung đang có nhiều khó khăn. Song, so với mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra và tiềm năng, lợi thế của tỉnh thì có rất nhiều việc cần phải làm và có thể làm tốt hơn”, đồng chí Thái Bảo nhấn mạnh.

Theo UVTV Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Cao Văn Quang cho biết, thời gian qua, cử tri và nhân dân đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cử tri đánh giá cao, năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương đã tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 5, 6 khóa XIII ban hành các nghị quyết về những nội dung lớn, rất cơ bản và quan trọng, liên quan đến công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đến các vấn đề quốc kế, dân sinh lâu dài, có tính chiến lược vĩ mô.

Đồng Nai đã đạt và vượt 24/32 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh theo Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra trong năm 2022 (trong đó có 2 chỉ tiêu chưa có kết quả đánh giá).

Đồng Nai đã đạt và vượt 24/32 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh theo Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra trong năm 2022 (trong đó có 2 chỉ tiêu chưa có kết quả đánh giá).

Đặc biệt cử tri, nhân dân rất quan tâm đến Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Cử tri cho rằng, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đang tiếp tục được đẩy mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, không có ngoại lệ, không có vùng cấm.

Mặc dù vậy cử tri còn có nhiều băn khoăn, lo lắng như thực tế đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức trước tình hình, bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là từ khi diễn ra xung đột Nga - Ukraine. Cử tri lo lắng, biến động về giá xăng dầu, vật tư, giá vật liệu xây dựng thời gian qua tăng cao sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.

Cử tri và nhân dân cũng băn khoăn về công tác điều hành chính sách bình ổn giá xăng dầu. Cử tri bày tỏ lo lắng khi hoạt động sản xuất, kinh doanh trong doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì thiếu đơn hàng, tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng cao; khiến cho một bộ phận người lao động mất việc làm, cuộc sống khó khăn hơn. Cùng với đó, là tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế và tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế tại một số cơ sở y tế làm cho chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện công giảm sút. Tình trạng mưa lớn là ngập đang diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là TP. Biên Hoà.