Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đồng Tháp: 85% lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo

(Dân sinh) - Qua 10 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, tỷ lệ lao động nông thôn ở Đồng Tháp có việc làm sau đào tạo đạt khoảng 85%.

Ngày 10/12, Sở LĐ-TB&XH Đồng Tháp tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn".

Tại hội nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp báo cáo: Qua 10 năm (2011 - 2020) thực hiện Đề án, khoảng 75% học viên học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm ngay. Đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt khoảng 85%; 100% lao động đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp đều được bố trí việc làm.

Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 28 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với quy mô tuyển sinh đào tạo khoảng 21.500 học viên/năm. Từ năm 2011 - 2020, toàn tỉnh có gần 210.000 người tham gia học nghề, vượt 16% kế hoạch. Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 50%.

Đồng Tháp: 85% lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo - Ảnh 1.

24.000 lao động ở Đồng Tháp được vay vốn tạo việc làm.

Nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Trung ương, của tỉnh đã tạo điều kiện cho 24.000 lao động được vay vốn tạo việc làm với tổng kinh phí 207 tỷ đồng, góp phần rất lớn trong công tác giải quyết việc làm sau đào tạo, ổn định kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Nhiều mô hình cũng phát huy hiệu quả, góp phần tạo công việc ổn định, tăng thu nhập cho lao động ở nông thôn, điển hình như: Mô hình may gia công tại một số xã của huyện Hồng Ngự; mô hình trồng cây ớt an toàn tại xã Tân Long, huyện Thanh Bình.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đồng Tháp đề ra mục tiêu đào tạo nghề cho khoảng 75.000 lao động, trong đó: 8.500 người được đào tạo trình độ cao đẳng; 11.500 người được đào tạo trình độ trung cấp, 60.000 người được đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng để đến năm 2025; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 79%, trong đó qua đào tạo nghề là 57%.