Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đốt pháo hoa trái phép ngày Tết bị xử lý thế nào?

Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP, đốt pháo hoa trái phép ngày Tết không những bị xử lý vi phạm hành chính mà có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử phạt vi phạm hành chính hành vi đốt pháo trái phép

- Hành vi đốt pháo trái phép: 

Theo điểm i khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với người có hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép;

- Hành vi tự chế pháo trái phép:

Điểm a khoản 4 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ;

- Vận chuyển, mua bán pháo trái phép: 

+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp: Trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (điểm a khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP);

+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp: Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo (điểm e khoản 4 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

dot-phao-trai-phep-ngay-tet-co-bi-xu-phat-khong-1

Đốt pháo trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Hiện nay, Bộ luật Hình sự không có quy định cụ thể về tội danh đốt pháo trái phép.

Tuy nhiên, tham khảo nội dung Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 về hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi đốt pháo nổ, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo, người có hành vi đốt pháo trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với một số tội danh sau đây:

* Tội gây rối trật tự công cộng - Điều 318 Bộ luật Hình sự

Theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, người nào sử dụng pháo gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Mức phạt tối đa đối với người phạm tội gây rối trật tự công cộng là 7 năm tù.

* Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ - Điều 305 Bộ luật Hình sự

Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Người bị truy cứu với tội danh này có thể bị phạt cao nhất từ 15 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

* Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm - Điều 190 Bộ luật Hình sự

Đối với các hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ nếu không thuộc trường hợp theo quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì sẽ bị truy cứu TNHS theo Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm.

Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 Bộ luật Hình sự, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

- Sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;

- Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;

- Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;

- Sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

- Sản xuất, buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

- Sản xuất, buôn bán hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 190 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 Bộ luật Hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Mức phạt tối đa với tội danh này lên đến 15 năm tù. Ngoài ra, Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.