Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Dự án bác sỹ trẻ: Đưa các kỹ thuật cao về tận tuyến y tế cơ sở

Tại các huyện miền núi, biên giới, vùng sâu vùng xa, số lượng nhân viên y tế có chuyên môn cao vẫn còn rất ít, đội ngũ bác sỹ trẻ về làm việc đã khiến y tế cơ sở có nhiều thay đổi, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở tại nhiều huyện khó khăn.

Tỉnh Thanh Hóa  hiện có khoảng 3,6 triệu dân, với 7 dân tộc sinh sống. Tại các huyện miền núi, biên giới, vùng sâu vùng xa, số lượng nhân viên y tế có chuyên môn cao rất ít. Thời gian qua, những bác sỹ trẻ sau khi được đào tạo về công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã làm thay đổi nhiều mặt, nhiều kỹ thuật cao đã được các bác sỹ trẻ thực hiện và chuyển giao kỹ thuật.

Bác sỹ trẻ Vi Thị Thân (sinh năm 1991) tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân cho biết sau khi được đào tạo theo dự án bác sỹ trẻ tốt nghiệp và công tác tại bệnh viện từ 12/2020 đã nâng cao nhiều năng lực chuyên môn. Hằng ngày, bác sỹ Thân thăm khám 30 bệnh nhân, thực hiện được 41 kỹ thuật, như chọc dịch màng bụng, chọc dịch màng phổi, đặt nội khí quản... Bác sỹ Thân đã chuyển giao cho đơn vị: 5 kỹ thuật; thực hiện theo phân tuyến: 17 kỹ thuật; theo chương trình đào tạo: 19 kỹ thuật.

Về công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Như Xuân từ tháng 6/2021, bác sỹ trẻ tình nguyện Viên Đình Hải (đã được tuyển dụng về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) đã hòa mình vào trong công việc để nhiệt tình phục vụ người dân vùng khó khăn. Trong 6 tháng về tăng cường tại Như Xuân, bác sỹ Hải đã thực hiện được 39 kỹ thuật, phẫu thuật được hơn 300 ca bệnh và không ngừng áp dụng các kỹ thuật cao trong phẫu thuật, phẫu thuật nội soi để bệnh nhân không phải chuyển tuyến.

Hiện nay, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế của tỉnh Thanh Hóa rất lớn. Đặc biệt là các bác sỹ chuyên khoa có tay nghề cao, chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân và đồng bào các vùng biên giới, miền núi khó khăn. Ông Đỗ Thái Hòa - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho biết Thanh Hóa có 11 huyện miền núi có điều kiện khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nguồn nhân lực các chuyên ngành như: sản, nhi, ngoại còn yếu… trong khi nhu cầu phát triển nguồn nhân lực là rất lớn. Từ Dự án Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện 585 ngành y tế của Thanh Hóa đã được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ y bác sỹ, góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn, phục vụ công tác chăm sóc khám chữa bệnh của nhân dân.

Trong giai đoạn 2016-2020 vừa qua, tỉnh Thanh Hóa được hỗ trợ đào tạo 20 bác sỹ trẻ đã góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ ở các huyện miền núi, vùng khó khăn. Trong giai đoạn 2022-2025, dự kiến sẽ có khoảng 20 bác sỹ trẻ tình nguyện và 60 bác sỹ chuyên khoa I tại tỉnh Thanh Hóa được hỗ trợ đào tạo theo Dự án 585.

Nhiều bác sĩ trẻ tình nguyện về khám chữa bệnh cho bà con vùng sâu, vùng xa

Nhiều bác sĩ trẻ tình nguyện về khám chữa bệnh cho bà con vùng sâu, vùng xa

Không chỉ riêng tỉnh Thanh Hóa, trong giai đoạn 1 của dự án đã bàn giao 15 khóa bác sỹ chuyên khoa cấp 1 với 354 bác sỹ trẻ cho 82 huyện nghèo thuộc 22 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Các bác sỹ trẻ về công tác góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở tại nhiều huyện khó khăn.

Liên quan đến công tác đào tạo nhân lực cho dự án, Giáo sư Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội cho biết trong nhiều năm qua, Dự án đào tạo bác sỹ trẻ 585 với mô hình đào tạo riêng biệt đã đạt được hiệu quả rất lớn đối với nhiều huyện miền núi, vùng khó khăn, biên giới trên cả nước. Hy vọng trong giai đoạn tới, dự án sẽ tiếp tục mở rộng quy mô lớn hơn, phủ rộng hơn, đối tượng lớn hơn. Đại học Y Hà Nội cam kết dành nguồn lực và sự ưu tiên cho Dự án 585 đào tạo đội ngũ học viên đạt chất lượng. Bên cạnh đó, Trường cũng sẽ đổi mới chương trình đào tạo hằng năm từ nhu cầu của địa phương để làm sao chất lượng đầu ra của các bác sỹ tốt hơn.

Tiến sỹ Phạm Văn Tác - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục Trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Giám đốc Dự án 585 cho hay công tác tuyển sinh các bác sỹ của Dự án 585 có đặc trưng riêng biệt. Các bác sỹ được tuyển chọn từng người, ưu tiên chuyên ngành đang cấp thiết tại các cơ sở y tế huyện nghèo. Các thành viên của dự án đến trực tiếp khảo sát tại các địa phương, các huyện để khớp nối cung cầu. Mỗi bác sỹ trẻ được tuyển chọn sẽ được các thầy trực tiếp cầm tay chỉ việc trực tiếp, đào tạo trong 24 tháng. Ông Phạm Văn Tác cho biết thêm Dự án 585 là một chiến lược “dài hơi” tiếp sức cho y tế cơ sở tại khắp cả nước khi Quỹ Thiện tâm của Tập đoàn Vingroup đã cam kết tài trợ đào tạo cho đội ngũ bác sỹ trẻ tình nguyện cho dự án trong giai đoạn 2 đến hết năm 2030. Đây là giai đoạn mới triển khai Dự án 585, có nhiều điểm mới, đào tạo trong 24 tháng, sẽ ưu tiên đào tạo theo nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Trong giai đoạn tới, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm nhiều tỉnh trong cả nước đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ y bác sỹ ở cơ sở như: Nghệ An, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Thanh Hóa, Sơn La.