Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Dự án La Tưng: Không thực hiện công tác đánh giá thổ nhưỡng

(Dân sinh) - Do không có cơ sở thanh toán chi phí nên chủ đầu tư không thực hiện được công tác đánh giá thổ nhưỡng cho dự án.

Phản hồi dự án La Tưng: Không thực hiện công tác đánh giá thổ nhưỡng - Ảnh 1.

Ruộng khai hoang trên diện tích đất nhiều cao lanh và sỏi đá nhưng lại không được kiểm tra, đánh giá thổ nhưỡng.

Liên quan dự án Nâng cấp đập La Tưng (xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) trong đó có hạng mục khai hoang ruộng lúa, dù đã hoàn thành nhưng chưa phát huy hiệu quả, khiến người dân nghèo "dài cổ" chờ đất sản xuất mà báo Dân sinh đã phản ánh, mới đây, UBND huyện A Lưới đã có phản hồi vấn đề.

Theo UBND huyện A Lưới, công trình Nâng cấp đập La Tưng được đầu tư trên cơ sở nâng cấp, sửa chữa hệ thống thủy lợi cũ đã xuống cấp do Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên - Huế khai thác, quản lý và đề xuất của UBND xã A Đớt. Tổng mức đầu tư dự án được duyệt hơn 2,9 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng 2,358 tỷ đồng; chi phí khai hoang san tạo mặt bằng, gom và rải đất tại chỗ trên diện tích 15,7ha là 450,337 triệu đồng.

Các hạng mục đầu tư xây dựng chính gồm: Sửa chữa tuyến ống chính bằng thép D350 dài 178m; nối kênh N1, N2 dài 280m bằng bê tông cốt thép; xây dựng kênh nhánh N1-1, N1-3, N2-1, N2-3, N2-5, N2-7 dài 876m bằng bê tông cốt thép; san tạo mặt bằng, gom và rải đất tại chỗ trên diện tích 15,7ha; xây dựng đường nội đồng từ N1-N2 dài 537m và công trình trên tuyến.

Sau khi xây dựng hoàn thành công trình, ngày 17/7/2019, chủ đầu tư dự án (Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực huyện A Lưới) đã bàn giao cho UBND xã A Đớt (nay là xã Lâm Đớt) toàn bộ hồ sơ liên quan công trình và đề nghị xã sớm bàn giao cho bà con canh tác sản xuất trên diện tích đất đã khai hoang là 15,7ha. Tuy nhiên, một phần diện tích đất khai hoang vùng quy hoạch chủ yếu là đất cao lanh và nhiều sỏi đá. Dự án chỉ san tạo mặt bằng và thu gom đất trên mặt và rải trở lại trên diện tích đã san tạo, không có chi phí cải tạo đất và mua đất màu để cải tạo trên diện tích đã san ủi. Vì vậy, một phần diện tích đó chưa thể canh tác sản xuất được.

Trong quá trình lập dự án, chủ đầu tư dự án đã mời Trường Đại học Nông lâm Huế thực hiện công tác đánh giá thổ nhưỡng để có phương án cải tạo đất (dự án tạm tính chi phí đánh giá thổ nhưỡng 50 triệu đồng). Tuy nhiên, sau khi lập phương án và dự toán, chủ đầu tư dự án gặp khó khăn trong việc thẩm định chi phí tư vấn đánh giá thổ nhưỡng. Vì vậy, chủ đầu tư dự án không có cơ sở thanh toán và không thực hiện được công tác đánh giá thổ nhưỡng cho dự án.

Theo huyện A Lưới, chủ đầu tư dự án đã nhận trách nhiệm về sai sót này, kiểm điểm và nghiêm túc rút kinh nghiệm với các dự án sau.

Ngày 5/8/2020, UBND huyện A Lưới đã chỉ đạo UBND xã Lâm Đớt xây dựng Phương án để phân chia đất đai cho người dân hoàn thành trước ngày 20/8/2020. Bên cạnh đó, UBND huyện A Lưới đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tham mưu hỗ trợ phát triển sản xuất từ các chương trình mục tiêu quốc gia, theo Quyết định 1385/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho các hộ dân sau khi được phân chia đất nhằm ổn định đời sống.

Trước đó, báo Dân sinh đã có loạt bài viết phản ánh thực trạng thiếu đất sản xuất trong các hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nổi lên của vấn đề là người dân thôn tái định cư La Tưng (xã Lâm Đớt, A Lưới) thiếu đất sản xuất trầm trọng, kéo dài, trong khi dự án Nâng cấp đập La Tưng chưa phát huy hiệu quả. Diện tích ruộng khai hoang chưa thể chia cho dân sản xuất vì các lý do như đã nêu trên.