Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Dự án mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh, nếu dừng ai sẽ chịu trách nhiệm chi phí đã đầu tư?

Tại cuộc Hội thảo khoa học “Dự án mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh: Tiếp tục hay dừng khai thác” được Hội Kinh tế môi trường Việt Nam tổ chức vào ngày 23/9 tại Hà Nội. Tại đây, nhiều ý kiến đa chiều về vấn đề này.

Hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia là đại diện các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong các lĩnh vực có liên quan ở Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh.

Là một trong các cổ đông của dự án Mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện chủ đầu tư dự án là TKV đã chi gần 2.000 tỷ đồng cho dự án này, đó là chưa kể đến chi phí và những thiệt hại do dự án phải dừng từ năm 2011 đến nay.

Ông Nguyễn Tiến Mạnh - Phó Tổng giám đốc TKV khẳng định: "Mời đầu tư cũng là UBND tỉnh Hà Tĩnh và bây giờ có ý kiến đề nghị dừng đầu tư cũng là UBND tỉnh Hà Tĩnh. Vậy số tiền gần 2.000 tỷ đã đầu tư ai sẽ chịu trách nhiệm đền bù nếu dự án phải dừng hoạt động?".

Ông Nguyễn Tiến Mạnh cũng cho biết: “Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê đã triển khai dự án theo đúng chỉ đạo Bộ Chính trị (Thông báo số 72/TB-TW ngày 9/5/2007); chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo số 136/TB-VPCP ngày 30/8/2006 cũng như sự kêu gọi đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh.

Ông đã viện dẫn các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Chính trị, cụ thể: Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 9792/VPCP-TH ngày 14/11/2016: ‘‘… khẩn trương hoàn thành thủ tục, đảm bảo tiến độ khởi công dự án mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh trong quý I/2017”; Đặc biệt là chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “… Đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững để xem xét đầu tư các dự án khai thác, chế biến: Sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh)…, hoàn thành trước năm 2030”.

Theo ý kiến của đại diện TKV, đến nay dự án đã thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của cấp thẩm quyền; đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định trong hoạt động khai thác chế biến khoáng sản nên không có cơ sở pháp lý để dừng dự án.

Trước một số các quan ngại của địa phương về các vấn đề như: Công nghệ, kỹ thuật khai thác; phương thức vận chuyển quặng; thị trường tiêu thụ; năng lực tài chính; hiệu quả kinh tế, rủi ro về xã hội; an toàn trong khai thác, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống dân sinh… đại diện TKV cho rằng, dự án đã được Bộ Công Thương, TKV, Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê, các nhà khoa học đúng chuyên ngành tại Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam làm rõ, có đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn.

Ông Nguyễn Tiến Mạnh - Phó Tổng giám đốc TKV tham gia ý kiến tại hội thảo

Ông Nguyễn Tiến Mạnh - Phó Tổng giám đốc TKV tham gia ý kiến tại hội thảo

“Trong đó, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1103/BCT-CNNg ngày 14/2/2017; góp ý với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 4304/BCT-CN ngày 31/5/2018”, ông Mạnh khẳng định.

Cũng theo ông Mạnh nếu dừng dự án sẽ gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, không những thế còn phá vỡi Quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt, gây thiệt hại cho các đơn vị đã triển khai các dự án luyện kim trên cả nước; phá vỡ Quy hoạch phát triển tổng thể Kinh tế - Xã hội tỉnh Hà Tĩnh được Chính phủ phê duyệt; làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư; mất nguồn thu ngân sách cho Nhà nước, địa phương.

Nhà nước còn phải bổ sung nguồn vốn để xử lý những tồn tại về tài chính, an sinh xã hội, công trình đầu tư xây dựng dở dang...; việc xử lý vốn đã đầu tư với số tiền 1.984 tỷ đồng sẽ hết sức khó khăn. Trong đó vốn Nhà nước là 1.529,6 tỷ đồng, vốn góp của TKV là 1.076,33 tỷ đồng. Điều này có nguy cơ làm mất vốn Nhà nước. Đặc biệt là gây lãng phí nguồn vốn Nhà nước đã đầu tư xây dựng 02 tuyến đường ngoài hàng rào phục vụ dự án cũng như khó khăn trong việc xử lý khoản nợ các nhà thầu trong nước và nước ngoài, đặc biệt là Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê đang phải bị khởi kiện quốc tế.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Hội Kinh tế môi trường Việt Nam: "Căn cứ vào các báo cáo khoa học và những nghiên cứu trước đó, vấn đề môi trường của dự án không đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu tính thêm chi phí từ năm 2008 - 2015 thì chắc chắn giá trị hiện tại ròng (NPV) sẽ giảm đi rất nhiều do chiết khấu cao, thời gian tính khá dài từ năm 2008 - 2024 và mức chi phí khá lớn (tính đến năm 2011 đã gần 2.000 tỷ đồng). Nếu tính đúng, tính đủ các chi phí môi trường cho các phương án xử lý tác dộng, xử lý khả năng xảy ra sự cố nữa thì NPV tiếp tục giảm. Vì vậy, cần có những con số tính toán thật sát với thực tế, đặt cùng lúc lên bàn để các cấp có thẩm quyền có thêm căn cứ, cơ sở đưa ra quyết định cuối cùng".

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Lê Hùng - Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê cho biết: “Tôi cũng đã có văn bản gửi lên Văn phòng Chính phủ, Thường trực Chính phủ, dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê là vi hiến, cho nên tôi đề nghị dự án phải được làm và giám sát kỹ nếu để xảy ra các vi phạm thì tùy từng mức độ để xử lý, nếu vi phạm nặng thì thu hồi giấy phép".

"Về vấn đề dừng dự án, Hội Khoa học Công nghệ mỏ cũng như tôi cũng đã có văn bản và khẳng định hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để dừng dự án. Nói về vấn đề môi trường, dự án đã khoan với độ dài 72km, xét nghiệm khoảng 16.500 mẫu đất, nước, các chất độc hại và đều ở chỉ số dưới mức cho phép. Hơn nữa dự án không dùng bất cứ hóa chất nào trong quá trình hoạt động. Khi khai thác quặng được rửa và nước thải đưa ra hồ lắng. Quặng được đưa vào nghiền nhỏ thế là xong. Nói về hiệu quả kinh tế, giá như dự án không dừng, đến ngày hôm nay tính theo giá bình quân hàng năm (theo giá của năm 2016) thì dự án đã khai thác trên 18 triệu tấn, doanh thu hơn 45.000 tỷ đồng mang về lợi nhuận khoảng 27.000 tỷ mà vốn điều lệ có khoảng 2.400 tỷ nộp ngân sách nhà nước khoảng 9.000 tỷ", ông Hùng cho biết.

Nói về trách nhiệm của ai hay cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm trước thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng mà các cổ đông đã đầu tư, ông Phạm Lê Hùng cho rằng: "Ai, cơ quan nào ký quyết định dừng thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm".

Ông Nguyễn Huy Mỹ - Viện Tháo khô mỏ Liên bang Nga tại Việt Nam cho rằng: "Chủ đầu tư cần chứng minh hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững qua báo cáo khả thi và bên phản biện cần chỉ rõ các sai sót trong các giải pháp kỹ thuật và giải pháp ngăn ngừa tác động môi trường...".

Ông Mỹ cũng kiến nghị, theo tinh thần của Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị: "Đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững cần xem xét đầu tư các dự án khai thác, chế biến sắt Thạch Khê Hà Tĩnh"... đến năm 2030. Chủ trương rất đúng vì đã hơn 5 năm qua, chưa có lời giải một cách khoa học cho việc dừng hay triển khai dự án. Tuy vậy, nếu để đến năm 2030, quá lâu sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và phương hướng phát triển kinh tế của doanh nghiệp và của tỉnh Hà Tĩnh.

Kết quả nghiên cứu của Hội Kinh tế môi trường Việt Nam và ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được báo cáo, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền.