Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Dự báo thị trường lao động là kim chỉ nam giúp NLĐ tìm việc làm

(Dân sinh) - Dự báo cung - cầu lao động cung cấp thông tin cho các cơ sở giáo dục đào tạo phục vụ công tác lập kế hoạch, chương trình đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động; cung cấp thông tin để giúp người lao động và gia đình định hướng và quyết định những vấn đề về đào tạo, việc làm trong tương lai…

Ngày 23/10, tại TP.HCM, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Luật tổ chức hội thảo khoa học xin ý kiến Đề án "Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030" và Đề án "Nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động".

Dự báo thị trường để nâng cao chất lượng lao động

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết: Đề án "Hỗ trợ thị trường lao động đến năm 2030" được đánh giá là đề án có tính chất tổng quan, chiến lược nhằm đưa ra các giải pháp để định hướng phát triển lâu dài cho thị trường lao động hướng tới xây dựng thị trường hiện đại, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của từng thị trường khu vực, tỉnh/thành phố, ngành kinh tế, nghề nghiệp… Qua đó, từng bước tạo sự đồng bộ, liên thông với các thị trường khác để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đề án "Nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động" là đề án có tính thực nghiệm cao nhằm phát triển một hệ thống dự báo cung - cầu lao động với những sản phẩm có tính khoa học, đầy đủ những thông tin về cung, cầu lao động cơ bản kịp thời phục vụ điều hành quản lý nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động, phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, của vùng và của từng địa phương.

Dự báo thị trường lao động là kim chỉ nam giúp NLĐ tìm việc làm - Ảnh 1.

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm phát biểu tại hội thảo.

Đồng thời, sản phẩm dự báo cung - cầu phải kịp thời cung cấp các thông tin cho các cơ sở giáo dục đào tạo phục vụ công tác lập kế hoạch, chương trình đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động; cung cấp thông tin để giúp người lao động và gia đình định hướng và quyết định những vấn đề về đào tạo, việc làm trong tương lai; giúp doanh nghiệp lựa chọn địa điểm, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh.

Tại hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia cũng đóng những ý kiến về nhiều góc độ khác nhau trong lĩnh vực lao động - việc làm như: việc đảm bảo an sinh xã hội trước ảnh hưởng của Cách mạng Công nghiệp 4.0; vấn đề chính thức hóa việc làm phi chính thức; các chỉ tiêu, chỉ số đánh giá chất lượng việc làm…

Dự báo thị trường lao động phải gắn với quy hoạch

TS. Nguyễn Văn Hiến - Đại học Tài chính Makerting, nhận định: Hiện nay thị trường lao động Việt Nam vẫn còn những bất cập. Nguồn cung lao động không đồng đều, nguồn cung chủ yếu ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn cầu lao động lại chủ yếu ở tam giác phát triển phía Bắc và Đông Nam Bộ. Chất lượng lao động phổ thông chiếm tỷ trong cao so với lao động đã qua đào tạo nên chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, cơ cấu ngành nghề chưa đồng bộ.

"Để thị trường lao động đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp chúng ta cần có sự liên kết để đào tạo nghề cho lao động. Cần đầu tư phát triển mô hình kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp…Đặc biệt, dự báo thị trường lao động phải gắn với quy hoạch, nêu dự báo không gắn với quy hoạch thường dãn đến thảm họa nguồn nhân lực.", TS Nguyễn Văn Hiến nêu quan điểm.

Kết thúc hội thảo, Cục trưởng Cục Việc làm, ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu là các chuyên gia, nhà nghiên cứu của các Trường, Viện và Học viện, cùng đại diện một số Sở, Ban ngành khu vực Phía Nam, đại diện các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực lao động - việc làm. Từ những ý kiến đóng góp này, Cục Việc làm sẽ có cơ sở thực tiễn để xây dựng hoàn thiện 2 Đề án.

Được biết, trong thời gian tới, dự kiến sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến tại Hà Nội với sự phối hợp tham gia của Đại học Quốc gia Hà Nội.