Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Dự thảo quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng dịch chuyển về hướng Tây Bắc

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã hoàn thiện nội dung dự thảo và vừa được UBND TP Đà Nẵng đề nghị công bố rộng rãi để lấy ý kiến nhân dân.

UBND TP Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Công văn số 680/TTg-CN ngày 17-5-2018 và phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 1-2-2019, hướng đến mục tiêu "Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á".

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được liên danh Công ty Sakae Corporate Addvisory và Công ty tư vấn Surbana Jurong (Singapore) thực hiện. Đồ án bao gồm 2 hợp phần: Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế và điều chỉnh Quy hoạch chung.

Riêng về nội dung điều chỉnh Quy hoạch chung, dự thảo đồ án thể hiện: Về mô hình, cấu trúc phát triển đô thị được xác định theo mục tiêu chiến lược bao gồm: bảo tồn thiên nhiên, tăng cường mạng lưới cây xanh và mặt nước để tạo ra một thành phố thân thiện môi trường; cải thiện cơ sở hạ tầng để cải thiện khả năng phục hồi của thành phố Đà Nẵng; 

Cụ thể hóa các chiến lược quy hoạch thông qua quy hoạch phân cấp các cụm việc làm và các nút đô thị; gia tăng mật độ dân số để phát triển mô hình đô thị nén; cải thiện hệ thống giao thông và sự phát triển của thành phố theo định hướng giao thông công cộng; phát triển các khu đô thị để xây dựng một thành phố sôi động; phát triển các loại hình cơ sở hạ tầng và nhà ở xã hội để tạo ra một thành phố dành cho tất cả mọi người; bảo tồn di sản đô thị như một phần của bản sắc riêng biệt Đà Nẵng.

Định hướng phân vùng phát triển đô thị có vùng ven mặt nước (phân khu ven sông Hàn và bờ đông; phân khu ven vịnh Đà Nẵng; phân khu cảng biển Liên Chiểu). Vùng lõi xanh nằm giữa thành phố được đặc trưng hóa bởi những ngọn đồi, cây xanh.

Khu vực này được tổ chức thành 4 phân khu nhỏ hơn là phân khu công nghệ cao; phân khu trung tâm lõi xanh; phân khu đổi mới sáng tạo và phân khu sân bay. Vùng sườn đồi gồm những không gian mở rộng lớn ven sườn các đồi núi phía tây, gồm một phần huyện Hòa Vang; giới hạn phía đông là tuyến đường tránh Nam Hải Vân và cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; 

Phía tây và bắc là các dãy núi cao; phía nam là Quảng Nam được tổ chức thành 3 khu vực nhỏ (phân khu đô thị sườn đồi; phân khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phân khu dự trữ phát triển. Vùng sinh thái có phân khu sinh thái phía tây gồm toàn bộ vùng núi phía bắc và phía tây thành phố; phân khu sinh thái phía đông gồm huyện Hoàng Sa với diện tích 30.500ha và bán đảo Sơn Trà có diện tích khoảng 4.199ha.

Về quy hoạch khu vực trung tâm đô thị bao gồm: các khu đô thị chỉnh trang và phát triển hỗn hợp, tập trung chủ yếu ở 6 quận nội thành: Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, một phần tại các điểm dân cư thuộc các xã Hòa Tiến, Hòa Châu. Khu đô thị tập trung mật độ cao chủ yếu tại 2 quận Hải Châu, Thanh Khê.

Khu ở nhà vườn mật độ thấp phân bố tại vùng ven các khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, Hòa Quý, khu đô thị sinh thái Golden Hills và các khu đô thị sinh thái dọc theo các con sông. Khu vực dân cư nông thôn được xác định với tiêu chí là đất ở làng xóm cải tạo, chỉnh trang nhằm phù hợp với tiến trình đô thị hóa ngày càng cao, tập trung nằm ở huyện Hòa Vang.

Quy hoạch định hướng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội với mục tiêu biến đổi Đà Nẵng trở thành "một trung tâm kinh tế lớn, có tốc độ tăng trưởng bền vững thông qua thiết lập một môi trường kinh tế độc đáo và mang tầm quốc tế. Qua đó, thành phố tập trung vào phát triển các cơ hội việc làm đổi mới cho Đà Nẵng và khu vực.

Điều này sẽ liên quan đến việc đa dạng hóa nền kinh tế Đà Nẵng thông qua việc cung cấp các trung tâm đô thị và nút việc làm khác nhau bao gồm: thương mại - dịch vụ, phân bổ các chức năng này rộng khắp địa bàn thành phố, bảo đảm phạm vi tiếp cận dịch vụ và chuyên biệt hóa chức năng của từng đô thị.

Về quy hoạch hệ thống trung tâm đô thị gắn với trung tâm thành phố là khu vực hành chính và thương mại cốt lõi của Đà Nẵng, bao gồm trung tâm hành chính, bảo tàng sống, khu trung tâm thương mại mới (CBD) và phố tài chính mới.

Về định hướng phát triển không gian toàn đô thị đến năm 2030, thành phố sẽ tập trung cải tạo, chỉnh trang các khu vực đô thị hiện tại để tối ưu hóa việc sử dụng đất. Định hướng hạ tầng kỹ thuật đô thị đến năm 2030, cần tập trung các vấn đề đất tại vành đai sân bay và xung quanh sẽ được quy hoạch và bảo vệ để mở rộng trong tương lai.

Thành phố tiếp tục nâng cấp, phát triển Sân bay quốc tế Đà Nẵng đạt công suất 30 triệu hành khách/năm đến năm 2030. Về đường sắt, đến năm 2030, thành phố xây dựng tuyến đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao chạy song song bên cạnh về phía đông đường cao tốc Bắc - Nam.

Mạng lưới giao thông đường thủy phục vụ nhu cầu du lịch nhằm khai thác cảnh quan sông nước. Đường bộ tập trung phân cấp đường nhằm phân biệt vai trò và chức năng cho từng loại đường để quy định tốc độ và việc tham gia giao thông.

Quy hoạch hệ thống giao thông công cộng; mạng lưới xe buýt. Quy hoạch hạ tầng cấp điện, cấp nước, thoát nước... Bên cạnh đó cũng đề cập đến quy hoạch xây dựng phát triển đô thị theo nhiều giai đoạn, cùng các chương trình dự án đầu tư ưu tiên.

Đến năm 2025, dân số của Đà Nẵng dự kiến đạt khoảng 1,35 triệu người. Tổng số đất xây dựng đô thị sẽ là 27.846ha, bao gồm 13.792ha đất dân dụng và 14.054ha đất ngoài dân dụng. Những dự án ưu tiên đầu tư được đề xuất nhằm giúp Đà Nẵng có các phát triển cần thiết, để hỗ trợ sự tăng trưởng của thành phố.

Những dự án này được coi là quan trọng để thúc đẩy quá trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế trên tất cả các lĩnh vực, xúc tác quá trình trở thành một thành phố bền vững và đậm bản sắc của Đà Nẵng. Theo đánh giá của UBND TP Đà Nẵng, việc lập điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là cần thiết và kế thừa của quy hoạch chung đã được duyệt trên cơ sở đã phân tích đánh giá những mặt được và chưa được trong quá trình thực hiện.