Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Dừng bay du lịch ngắm cảnh sau vụ rơi trực thăng Bell 505 ở vịnh Hạ Long

Chiều 6/4, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho hay, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18 - VNH) đã chủ động cho dừng mọi hoạt động bay du lịch ngắm cảnh sau vụ rơi trực thăng ở vịnh Hạ Long chiều 5/4. Không chỉ dừng tour ngắm vịnh Hạ Long, các tour ngắm cảnh ở các địa phương khác như: Đà Nẵng, Điện Biên, Mai Châu (Hòa Bình), Mù Cang Chải (Yên Bái), Vũng Tàu - Côn Đảo cũng tạm dừng chờ thông báo mới.

Các lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tại khu vực máy bay trực thăng rơi trong đêm 5/4, rạng sáng 6/4.

Các lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tại khu vực máy bay trực thăng rơi trong đêm 5/4, rạng sáng 6/4.

Hoạt động bay trực thăng ngắm cảnh do Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện. Hiện công ty cung cấp tour hành trình bay ngắm cảnh tại nhiều địa điểm; trong đó, các điểm như vịnh Hạ Long, Đà Nẵng và Vũng Tàu được cung cấp dịch vụ quanh năm theo yêu cầu. Những điểm đến khác mang tính thời vụ.

Tại Vịnh Hạ Long, đơn vị này đang tổ chức các dịch vụ bay với giá từ 2,2 đến 6,16 triệu đồng/khách. Cụ thể, bay khám phá, ngắm cảnh 10 phút trên vịnh Hạ Long có giá 2,2 triệu đồng/vé ở vé ghế đầu, còn ghế sau 1,92 triệu đồng/vé.

Với thời gian bay lâu 15 phút, giá dịch vụ là 3,2 triệu đồng/vé cho khách ghế đầu và 2,92 triệu đồng/vé cho ghế sau. Với thời gian bay dài nhất là 30 phút, mức giá dao động 5,88 đến 6,16 triệu đồng/vé tùy vị trí.

 

Tour ngắm vịnh Hạ Long là một trong những tuyến khai thác dịch vụ trực thăng đầu tiên tại Việt Nam, chính thức mở bán từ năm 2020. Cục Hàng không Việt Nam không phải là đơn vị cấp phép bay cho hoạt động du lịch này.

Trước đó, tối 5/4, theo thông tin từ Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng: Máy bay Bell-505, số hiệu VN-8650 của Công ty Trực thăng miền Bắc thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18) do Đại tá Chu Quang Minh điều khiển, chở 4 khách du lịch người Việt Nam thực hiện dịch vụ du lịch ngắm cảnh vịnh Hạ Long từ trên cao, cất cánh lúc 16 giờ 56 phút, đã mất liên lạc lúc 17 giờ 15 phút. 

Ngay khi máy bay mất tín hiệu, Công ty Trực thăng miền Bắc đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng và lực lượng quân sự địa phương khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn.

Danh tính các nạn nhân trên máy bay trực thăng bị rơi ở vịnh Hạ Long gồm:

1. Đại tá Chu Quang Minh (SN 1964), phi công.

2. Ông Hồ Tá Lực (SN 1964), trú tại TP Đà Nẵng.

3. Bà Nguyễn Thị Hội (SN 1963), trú tại TP Đà Nẵng.

4. Bà Hồ Thị Oanh (SN 1962), trú tại TP Đà Nẵng.

5. Bà Phạm Thị Bê (SN 1958), trú tại TP Đà Nẵng.