Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đừng để người chuyển giới mãi vô hình

Hội thảo “Đừng để người chuyển giới mãi vô hình” do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) vừa tổ chức ngày 16/12 nhằm đề xuất các giải pháp bảo vệ người chuyển giới (NCG). Đây là hội thảo lần thứ 3 bàn về vấn đề này được SCDI tổ chức trong vòng 2 năm trở lại đây.

15 tuổi người chuyển giới đã nghĩ đến… tự tử

Nghiên cứu vào tháng 6/2019 do Mạng lưới người chuyển giới Việt Nam, dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng và Mạng lưới người chuyển giới Châu Á -Thái Bình Dương, thực hiện tại Hà Nội với sự tham gia của 250 NCG cho thấy, nhiều thách thức trong trải nghiệm cuộc sống của họ.

Theo đó, NCG cảm nhận và tự xác định được bản dạng giới của mình ở độ tuổi rất trẻ, trong khoảng từ 12 đến 14 tuổi. Tuy nhiên, phải đến 17 tuổi, họ mới lần đầu chia sẻ về bản dạng giới với người khác.

Trong thời gian xác định bản dạng giới của mình, nhiều NCG đã gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như căng thẳng, mất ngủ kéo dài, rối loạn lo âu. Thậm chí, những NCG trẻ thường có suy nghĩ về việc tự tử khá sớm và cố gắng tự tử lần đầu vào năm 15 tuổi- 3 năm sau khi họ cảm nhận được sự khác biệt về bản dạng giới của mình. 39,4% cho biết họ từng có ý nghĩ về việc kết liễu cuộc sống của mình. Trong số những người từng có suy nghĩ này, có tới gần 41% từng cố gắng tự tử.

Kỳ thị và phân biệt đối xử đã tăng nguy cơ khiến nhiều NCG trở thành nạn nhân của tình dục và bắt nạt học đường.

* Ước tính, hiện nay có khoảng 300.000 người chuyển giới tại Việt Nam. Sự phát triển của phong trào quyền cho người LGBT (người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới) trong những năm gần đây đã giúp cải thiện đáng kể sự hiện diện và tiếng nói của các nhóm dân số người chuyển giới trong xã hội Việt Nam.

Do chưa có khung pháp luật chính thức quy định hoạt động cung cấp và sử dụng dịch vụ nội tiết tố (hormone) và phẫu thuật chuyển đổi giới tính nên việc thực hiện một trong những quyền cơ bản nhất của con người-quyền được sống khỏe mạnh của NCG ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và có nhiều nguy cơ đáng báo động.

Với những người đang tự điều trị nội tiết tố, chỉ có 37,6% tìm kiếm thông tin y tế trước khi bắt đầu sử dụng, hầu hết (72,9%) mua hormone từ bạn bè hay các nguồn không chính thức, 33,3% mua từ các nguồn trôi nổi trên mạng.

Phần lớn NCG có nhu cầu phẫu thuật sẽ phải sang nước ngoài, chủ yếu là Thái Lan để thực hiện can thiệp ở các cơ sở tư nhân không hợp pháp với chi phí rẻ hơn nhiều so với các bệnh viện. Điều đó đồng nghĩa với việc chấp nhận các rủi ro lớn về sức khỏe. Việc chăm sóc sau phẫu thuật tại Việt Nam cũng là rào cản lớn do cán bộ y tế tại các cơ sở thiếu hiểu biết về NCG và chăm sóc sức khỏe cho NCG.

Đừng để người chuyển giới mãi vô hình - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Kim Mai - một người chuyển giới nam sang nữ - chia sẻ: "Ngoài những vấn đề về y tế, xã hội… thì NCG gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thừa nhận quyền của người chuyển đổi giới tính. Hàng nghìn NCG vẫn gặp nhiều khó khăn với thủ tục đổi tên".

Chia sẻ về hành trình chuyển giới từ nam sang nữ của mình, chị Nguyễn Kim Mai nói, ngoài những vấn đề về y tế, xã hội… thì NCG gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thừa nhận quyền của người chuyển đổi giới tính. Hàng nghìn NCG vẫn gặp nhiều khó khăn với thủ tục đổi tên. Nhiều NCG phải làm các công việc bất hợp pháp hoặc có nhiều rủi ro về sức khỏe do khó khăn trong tìm kiếm việc làm…

"Tôi từng mang giấy tờ về địa phương để xin đổi tên. Lần đầu tôi xin đổi tên và giới tính thì họ nói pháp luật chưa cho phép và lưu lại hồ sơ. Lần thứ 2, thứ 3, tôi đến xin đổi tên, tôi nghĩ có quyền được đổi nhưng họ nói tên của tôi đẹp rồi, tên thì phải trùng khớp với giới tính nên họ cũng không đổi cho", chị Mai chia sẻ.

Mong có cuộc sống bình thường

Theo TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Hiến pháp sửa đổi năm 2013 trên cơ sở tôn trọng quyền con người đã tạo cơ sở pháp lý cho phong trào kêu gọi quyền của những NCG.

Bộ Luật Dân sự sửa đổi năm 2015 cũng thừa nhận quyền của người chuyển đổi giới tính, mặc dù Luật này chưa có các quy định cụ thể về các quyền ở các lĩnh vực khác nhau của người chuyển đổi giới tính.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cơ quan phụ trách soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ cộng đồng NCG Việt Nam và nhiều điểm của dự thảo đã được sửa đổi để đáp ứng quyền của NCG.

Đừng để người chuyển giới mãi vô hình - Ảnh 3.

TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế)

Đại diện cho cộng đồng LGBT, Nguyễn Vũ Hà Anh chia sẻ, bản thân cô mong muốn Luật chuyển đổi giới tính sớm được thông qua để những NCG có cuộc sống bình thường, không bị kỳ thị, tìm được việc làm, được công nhận và được thay đổi giấy tờ tùy thân.

Hiện nay, dự thảo chưa được Bộ Y tế trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt. Khó khăn này khiến hàng nghìn NCG vẫn bị “mắc kẹt” với tên gọi của mình do thủ tục đổi tên ở các địa phương đang được áp dụng khác nhau với lý do chưa có văn bản hướng dẫn. Hàng ngày, NCG vẫn phải đánh cược tính mạng và sức khỏe của mình với những viên thuốc/ống thuốc hormone ở những cơ sở không chính thức. Nhiều người phải làm các công việc bất hợp pháp hoặc có nhiều rủi ro về sức khỏe do khó khăn trong tìm kiếm việc làm…

* Năm 2012, nghiên cứu thăm dò đầu tiên về các cộng đồng người chuyển giới ở Việt Nam được thực hiện và công bố bởi Viện Nghiên cứu Kinh tế, Xã hội và Môi trường (iSEE), ghi dấu sự xuất hiện chính thức của cộng đồng này trên các diễn ngôn chính thức tại Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, người chuyển giới trở nên hiện hữu với các nhà làm luật, người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các tổ chức phát triển, các cơ quan truyền thông và xã hội nói chúng như một số nhóm dân số với những đặc điểm và nhu cầu đặc thù của mình.