Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đừng để Tết Trung thu trở thành… "chuyện ngày xưa"

(Dân sinh) - Chừng dăm bảy năm trước, khoảng thời gian này, không khí phố xá đã rộn ràng, hàng trăm cửa hiệu bán bánh trung thu cùng rất nhiều điểm bán đèn lồng mở ra khắp nơi. Sắc màu lễ hội ùa về khiến bao trẻ thơ sướng vui…

Nhưng vài năm trở lại đây, không khí Trung thu nhạt dần. Đầu tiên là sự "suy tàn" của những cửa hiệu bán đèn lồng truyền thống khi đèn lồng xài pin của Trung Quốc lấn át. Rồi đèn lồng Trung Quốc cũng bị "ghẻ lạnh" khi hầu hết trẻ em không còn thích thứ đồ chơi vừa nhàm chán, vừa ẩn chứa nhiều mối hiểm nguy cho sức khỏe.

Đừng để Tết Trung thu trở thành… "chuyện ngày xưa" - Ảnh 1.

Nhưng vài năm trở lại đây, không khí Trung thu nhạt dần.

Kế đến là sự "lụn bại" của các cửa hiệu bánh Trung thu. Cái thời "trên trời, dưới bánh" đã qua lâu lắm rồi. Nhớ lại thời xưa, khi số đông dân chúng còn nghèo khổ, những đứa trẻ ngập tràn hạnh phúc khi có được miếng bánh trung thu trong cuộc phá cỗ của xóm, khu phố hay của trường, lớp. Nhưng sau đó, bánh trung thu lại bị "biến tướng" trở thành món quà mà… người lớn dành cho nhau nhằm củng cố các "mối quan hệ". Thậm chí có thời, một số người còn nhét… vàng miếng, vàng lá vào giữa cái bánh trung thu để làm quà biếu. Đằng sau đó là biết bao câu chuyện cười ra nước mắt.

Đừng để Tết Trung thu trở thành… "chuyện ngày xưa" - Ảnh 2.

Tết Trung thu mà không bánh, không đèn thì làm gì có phá cỗ đón trăng?

Tiếp nối "vai trò" làm quà biếu giữa người lớn với nhau, cách đây vài năm, nhiều thương hiệu lớn thi nhau "sáng chế" ra những loại bánh trung thu "độc nhất vô nhị" với đủ thứ sơn hào hải vị, thậm chí có cả những vị thuốc quý hiếm, hình thức vô cùng sang trọng, giá đắt đỏ từ vài triệu tới hàng chục triệu đồng một hộp. Thứ bánh này chắc chắn không phải dành cho… trẻ em!

Để rồi đến giờ, rất nhiều hình thức "xây dựng quan hệ" hay "củng cố quan hệ" tinh vi khác ra đời, vai trò của chiếc bánh trung thu trở nên… thừa thãi. Bởi sau thời gian nhìn nhận chiếc bánh trung thu như một loại "quà cáp" thì đến giờ, chẳng mấy người còn nhớ đến chuyện mua bánh trung thu cho trẻ em nữa. Nhiều người còn biện bạch, thời buổi này trẻ em chẳng thiếu thứ gì, ăn uống thừa mứa nên chúng chẳng thiết gì bánh trung thu. Giá trị tinh thần của chiếc bánh trung thu cũng vì thế mà gần như mất hẳn. Do đó, mùa Trung thu năm nay, các cửa hiệu bán bánh trung thu chỉ lèo tèo, vừa thưa thớt về số lượng vừa nghèo nàn về chủng loại, chất lượng cũng chẳng còn được mấy nơi chăm chút. Trong khi đó, lượng người tìm mua bánh cũng rất ít ỏi.

Đừng để Tết Trung thu trở thành… "chuyện ngày xưa" - Ảnh 3.

Tết Trung thu chỉ còn là "chuyện ngày xưa" trong ký ức...

Tết Trung thu mà không bánh, không đèn thì làm gì có phá cỗ đón trăng? Tức cũng làm gì có không khí rộn rã, náo nức của Tết Trung thu? Điều đó đồng nghĩa với việc trẻ em thời nay đã và đang bị "tước đoạt" một "món quà" quý giá mà tổ tiên đã truyền lại từ xa xưa. Đó là một thiệt thòi không nhỏ!

Không ít người lo lắng, với đà này thì chẳng bao lâu nữa, những câu chuyện về Tết Trung thu chỉ còn là "chuyện ngày xưa" trong ký ức của những người lớn mà trẻ em chỉ có thể được nghe kể lại, chứ không có cơ hội để được ngắm nhìn, hòa mình vào thế giới đầy âm thanh, sắc màu rộn rã, tưng bừng. Tiếc lắm thay!