Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đừng để thú cưng thành mối nguy!

Thú cưng có thể là những người bạn rất đặc biệt của trẻ em. Tuy nhiên, bên cạnh việc mang lại niềm vui, sự thú vị thì nuôi thú cưng trong nhà cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ.

Đừng để thú cưng thành mối nguy! - Ảnh 1.

Dạy trẻ không được kéo thú cưng lên sát mặt vì khi nhìn trực diện, con vật có thể trở nên cự kỳ hung hãn, có thể sẵn sàng tấn công người. Ảnh XQ

Nghỉ dịch Covid-19 rồi nghỉ hè ở nhà mấy tháng liền, Việt Anh muốn xin bố mẹ nuôi thú cưng là hai chú chuột hamster. Cũng muốn con được thư giãn, dành thời gian chăm sóc, chơi với thú cưng thay vì dán mắt vào màn hình tivi, điện thoại, thế nhưng khi con ngỏ ý muốn nuôi hamster, anh Duy – bố Việt Anh lại băn khoăn, lo rằng loài chuột này có thể gây bệnh cho các con. 

Cùng tâm trạng như anh Duy, chị Giang (Hà Nội) đang phải lựa chọn giữa việc có nên cho con nuôi thú cưng là một chú mèo hoặc một chú chó phốc hay không. Chị không ngại việc cùng con chăm sóc những con vật này, nhưng lo chó, mèo nuôi trong nhà có thể lây bệnh dại hoặc gây tai nạn thương tích cho các thành viên trong gia đình. Lo lắng của anh Duy, chị Giang không phải không có căn cứ, bởi những con vật hiền lành, đáng yêu đến đâu thì vẫn ẩn chứa những mối nguy mà chúng ta không lường trước được khi trẻ nuôi, chăm sóc và chơi với chúng.

Việc cho hay không cho con nuôi thú cưng bố mẹ cần thảo luận cùng con và cân nhắc thật kỹ. Thực tế đã có nhiều vụ chó nhà, mèo nuôi cắn, cào trẻ nhỏ phải đi cấp cứu, thậm chí có trẻ đã tử vong vì vết cắn quá sâu hoặc bị lây bệnh dại.

Cùng con lựa chọn thú cưng phù hợp

Không giống với các đồ chơi khác, thú cưng luôn kích thích trí tò mò của trẻ vì chúng là những sinh vật sống động, biết chạy nhảy, ăn uống, có thể biết thể hiện tình cảm. Nhiều trẻ xem thú cưng như những người bạn thân thiết, có thể chia sẻ vui buồn với chúng. Có trẻ lại trở nên có trách nhiệm, ngoan hơn, giảm bớt thời gian tiếp xúc với các thiết bị điện tử, game online khi nuôi thú cưng trong nhà. Trẻ sẽ dành thời gian rảnh rỗi tự tay chăm sóc cho thú cưng của mình từ ăn uống, tắm, vệ sinh lồng nhốt… Việc cho trẻ nuôi thú cưng có những tác động tích cực đến sự phát triển của trẻ, đặc biệt với những trẻ là con một.

Thú cưng được ưa chuộng và phổ biến nhất để nuôi trong nhà là chó, mèo. Bên cạnh đó là những loại cá cảnh, chim (vẹt, họa mi, chích chòe, khướu), thỏ… Đặc biệt, một số gia đình còn nuôi những các con vật lạ như: sóc, chuột hamster, rùa, kỳ đà, rồng… Khi lựa chọn thú nuôi trong gia đình, có rất nhiều vấn đề cần phải quan tâm như: loại thú nuôi, kích cỡ thú nuôi, không gian diện tích dành để nuôi, thời gian chăm sóc chúng có phù hợp với nhịp sinh hoạt của trẻ và gia đình…

Vì vậy, trước khi lựa chọn một vật nuôi trong nhà, các bậc cha mẹ cần cùng con tìm hiểu và cân nhắc kĩ lưỡng về chủng loại, kích thước cũng như các đặc tính của chúng. Điều này ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe cũng như sự an toàn của trẻ, bởi chúng sẽ tiếp xúc trực tiếp với trẻ trong thời gian dài.

Đừng để thú cưng thành mối nguy! - Ảnh 3.

Chuột hamster được nhiều trẻ lựa chọn làm thú cưng để nuôi. Ảnh KT

Phòng tránh những mối nguy khi trẻ nuôi thú cưng

Việc lựa chọn thú cưng phù hợp và hướng dẫn trẻ những kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh, phòng tránh tai nạn thương tích là vô cùng cần thiết.

Khi quyết định cho trẻ nuôi thú cưng, cha mẹ nên nói chuyện nghiêm túc với trẻ và đưa ra một số thỏa thuận cụ thể về việc nuôi dưỡng, chăm sóc con vật này. Nên chọn lựa những vật nuôi phổ biến và có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và tiêm chủng đầy đủ. Tuyệt đối không cho trẻ em dưới 7 tuổi nuôi thú cưng hay chơi một mình với vật nuôi dù con vật có hiền lành và nhỏ bé. Nhiều trẻ em coi thú cưng như một người bạn, thế nhưng, thói quen bồng bế, ôm ấp, hôn hít thú cưng có thể khiến trẻ mắc nhiều bệnh nguy hiểm.

Một số nguyên tắc an toàn khi chăm sóc, vui chơi với thú cưng cha mẹ cần dạy trẻ:

- Không kéo thú cưng lên sát mặt, mặt đối mặt với chúng. Bởi vì, khi nhìn trực diện, con vật có thể trở nên cự kỳ hung hãn, có thể sẵn sàng tấn công người.

- Chỉ vuốt ve nhẹ nhàng bên hông con vật, không được ôm, giật tai, đuôi vật nuôi.

- Khi chơi, chăm sóc không được chọc phá, nghịch ác làm thú cưng nổi giận, chúng có thể sẽ phản kháng, trống trả quyết liệt.

- Với những thú cưng lạ của bạn hay của hàng xóm, trẻ không nên lại quá gần, vuốt ve vì chúng có thể hiền lành với chủ quen nhưng sẽ nổi giận gây thương tích cho người lạ.

- Hãy cho vật nuôi ăn thực phẩm đóng gói hoặc thức ăn chín. Tuyệt đối không cho chó, mèo ăn thịt sống.

- Tuyệt đối không được trêu đùa, giật thức ăn khi thú cưng đang ăn.

- Không được lại gần, tiếp xúc khi thú cưng có những biểu hiện lạ như mệt mỏi, bỏ ăn, gầm gừ, chảy nước dãi…

- Luôn phải rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi tiếp xúc, chăm sóc, chơi với thú cưng.

- Một số loại thú cưng cần được chăm sóc, phòng ngừa giun sán và các bệnh lây truyền cũng như tiêm phòng đúng lịch.

Cách xử trí khi bị thú cưng tấn công

Khi bị chó, mèo, chuột cảnh hay các con vật nuôi tấn công, nếu vết thương không quá nghiên trọng thì nên bình tĩnh sơ cứu:

- Rửa sạch vết thương dưới dòng nước ấm và rửa sạch lại bằng xà phòng diệt khuẩn.

- Chà thật nhẹ nhàng để loại bỏ bụi bẩn hoặc vật lạ khỏi vết thương.

- Dùng cồn hoặc các loại thuốc sát trùng lau nhẹ vết thương.

- Nếu chảy nhiều máu, ép một miếng gạc sạch hoặc băng vô trùng lên vết thương và ấn giữ lên vết thương để ngăn máu chảy.

- Sau sơ cứu đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Trong trường hợp bị tấn công, cần giữ vật nuôi để theo dõi trong 10 ngày và tiêm phòng dại nếu vật nuôi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh dại.