Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Được cưỡng chế nợ thuế bằng cách khấu trừ lương

Dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Quản lý thuế sửa đổi (sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7/2020) đã hướng dẫn chi tiết việc thi hành Điều 130 Luật Quản lý thuế, về cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập.

Thông tin trên báo Sài Gòn giải phóng, biện pháp khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập được áp dụng đối với cá nhân bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế (quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế; các thông báo ấn định thuế, quyết định ấn định thuế; thông báo tiền thuế nợ; quyết định thu hồi hoàn; quyết định gia hạn; quyết định nộp dần, quyết định khoanh nợ, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuế; quyết định về bồi thường thiệt hại; quyết định hành chính thuế khác theo quy định của pháp luật).

Việc khấu trừ lương được áp dụng đối với cá nhân đang làm việc theo biên chế, hoặc hợp đồng từ 6 tháng trở lên, hoặc đang được hưởng trợ cấp hưu trí, mất sức.

Theo khoản 2, Điều 130, tỷ lệ khấu trừ tiền lương, trợ cấp hưu trí hoặc mất sức đối với cá nhân không thấp hơn 10% và không quá 30% tổng số tiền lương, trợ cấp hàng tháng của cá nhân đó; đối với những khoản thu nhập khác thì tỷ lệ khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế, nhưng không quá 50% tổng số thu nhập.

Cũng liên quan đến vấn đề nợ thuế, Thời báo tài chính  thông tin, Luật Quản lý thuế số 38 đã bổ sung quy định về khoanh tiền thuế nợ. Theo đó, đối với các đối tượng người nộp thuế đã chết, hoặc được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp chờ giải thể, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được khoanh nợ thuế.

Được cưỡng chế nợ thuế bằng cách khấu trừ lương - Ảnh 1.

Không nộp thuế sẽ bị cưỡng chế.

Quy định này sẽ khắc phục được bất cập phát sinh nợ ảo (khi nợ trên phạt chậm nộp cao, dẫn đến nợ đọng lớn, không có khả năng thu hồi). Đồng thời, quy định rõ về thẩm quyền khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, phân cấp cho thủ trưởng cơ quan quản lý thuế; bổ sung quy định thời điểm không tính tiền chậm nộp đối với các trường hợp được khoanh nợ.

Bổ sung đối tượng được xóa nợ đối với hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản mà không còn tài sản để nộp thuế và mở rộng thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp tỉnh được xóa nợ thuế đối với khoản nợ dưới 5 tỷ đồng trên cơ sở đề nghị của cục trưởng cục thuế, cục trưởng cục hải quan.

Quy định đối với trường hợp người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp có quyền đề nghị miễn tiền chậm nộp trong trường hợp gặp khó khăn do thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, các trường hợp bất khả kháng khác.

Để tăng cường hiệu quả của công tác cưỡng chế thu nợ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Luật Quản lý thuế 38 quy định nguyên tắc áp dụng các biện pháp cưỡng chế linh hoạt, như: Đối với các biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập, dừng làm thủ tục hải quan thì căn cứ vào tình hình thực tế, cơ quan quản lý thuế áp dụng biện cưỡng chế phù hợp.

Đối với các biện pháp cưỡng chế khác (ngừng sử dụng hóa đơn; kê biên, bán đấu giá tài sản kê biên; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ; thu hồi giấy chứng nhận, giấy phép) thì cơ quan quản lý thuế thực hiện việc cưỡng chế theo nguyên tắc: Trường hợp không áp dụng được biện pháp cưỡng chế trước thì cơ quan quản lý thuế chuyển sang áp dụng biện pháp cưỡng chế sau; trường hợp quyết định cưỡng chế đối với một số biện pháp chưa hết hiệu lực, nhưng không có hiệu quả mà cơ quan quản lý thuế có đủ thông tin, điều kiện thì thực hiện áp dụng biện pháp cưỡng chế trước đó hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo.