Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đường Trường Sơn Đông bị chia cắt vì những tảng đá lớn

(Dân sinh) - Một điểm sạt lở nghiêm trọng làm chia cắt xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với những tảng đá lớn từ đỉnh đồi rơi xuống làm tắc đường Trường Sơn Đông

Ngày 13/11, ông Nguyễn Quảng - Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ tỉnh Kon Tum cho biết, cơn bão số 12 đã gây ra hơn 10 điểm sạt lở trên tuyến đường Trường Sơn Đông, các điểm sạt lở trên tuyến đường Trường Sơn Đông đã được khắc phục, chỉ còn 1 điểm sạt lở nghiêm trọng nhất ở xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum với những tảng đá to ước tính hàng trăm tấn. Việc sạt lở nghiêm trọng này làm tắc đường, chia cắt xã Ngọc Tem.

Hiện nay khu vực bị sạt lở vẫn có mưa lớn, sương mù dày đặc, đất đá thỉnh thoảng lăn từ đỉnh đồi xuống rất nguy hiểm. Đơn vị đã huy động máy móc, tuy nhiên, phải xem xét tình hình, khi nào không còn tình trạng sạt lở nữa mới thông tuyến, đảm bảo an toàn giao thông.

Đường Trường Sơn Đông bị chia cắt vì những tảng đá lớn - Ảnh 1.

Tuyến đường DH83 bị sạt lỡ (ảnh báo TP)

Trước đó tại tỉnh Kon Tum, một phần cầu ở xã Đắk Nhoong, huyện Đắk Glei, bắc qua sông Pô Kô đã bị hư hỏng hoàn toàn. Người dân đã ghép nhiều ván gỗ trên cầu để tạm thời lưu thông. Con đường DH81 từ trung tâm huyện Đắk Glei vào xã Đắk Nhoong thuộc huyện Đắk Glei, có hàng trăm vũng nước sâu nối tiếp nhau.

Trên tuyến đường DH83 nối xã Đắk Nhoong với xã Đắk Plô thuộc huyện Đắk Glei, cũng xuất hiện nhiều điểm sạt lở, sụt lún. Để khắc phục, chính quyền địa phương phải đổ hàng chục m3 đất đá để phục vụ việc đi lại tạm thời.

Theo bà Y Thanh - Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei, đường DH81 và DH 83 đã được đầu tư xây dựng 20 năm nay. Đây là tuyến đường huyết mạch của huyện phục vụ chủ yếu cho hàng nghìn người dân xã biên giới.

Tại tỉnh Gia Lai: Công điện ứng phó với bão số 13 do Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành ký, yêu cầu những đơn vị trực thuộc khẩn trương kiểm tra, thống kê thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 12 trên địa bàn, tổng hợp báo cáo gửi về Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh này trong ngày. Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu những đơn vị trực thuộc tiếp tục kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, rà soát chủ động sơ tán người dân ra khỏi những nơi nguy hiểm, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời, đảm bảo tính mạng người dân. Đặc biệt, các chủ đầu tư, các chủ hồ tổ chức vận hành hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du; đối với các hồ đã đầy nước cần chủ động điều tiết để đảm bảo cao trình mực nước đón lũ theo quy định...

Đường Trường Sơn Đông bị chia cắt vì những tảng đá lớn - Ảnh 2.

Nhiều tảng đá lớn làm tắc đường( ảnh báo TP)

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp& Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai), toàn tỉnh đang có nhiều khu vực sạt lở. Trước tình trạng này, Chi cục Thuỷ lợi đã tham mưu giúp UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục theo dõi, giám sát các vị trí sạt lở, Cùng với đó, lập phương án xử lý tạm thời như cắm biển báo, cảnh báo cho các phương tiện giao thông, dân cư biết tình trạng sạt lở, khu vực sạt lở, mức độ sạt lở nhằm phòng ngừa hoặc di dời ngay đến nơi ở mới theo kế hoạch của địa phương. Mặt khác, khoanh vùng, ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở bờ sông, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở bờ sông và triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời

Diện tích hoa màu của nhiều xã thuộc huyện Krông Pa (sát huyện Ia Pa), Gia Lai bị ngập úng, chính quyền địa phương đang thống kê thiệt hại.