Quay lại Dân trí
Dân Sinh

EU và Hoa Kỳ chưa hạn chế nhập hàng dệt may Việt Nam

(Dân sinh) - Đây là khẳng định của lãnh đạo Bộ Công Thương tại cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Bộ Công Thương chiều ngày 20/3, quyết liệt triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh mới. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, hiện vẫn chưa có hạn chế nào của cơ quan chức năng EU hay Hoa Kỳ về việc dừng nhập hàng dệt may từ Việt Nam.

EU, Hoa Kỳ hoãn, hủy đơn, phải tính phương án giảm bớt thiệt hại

Điều này đơn thuần chỉ là quyết định của các nhà mua hàng tại các thị trường này do gặp khó khăn từ dịch Covid-19.

Tuy nhiên, việc các đơn hàng từ 2 thị trường lớn EU và Hoa Kỳ đang hoãn, hủy buộc cơ quan chức năng phải tính ngay phương án giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

"Tuy nhiên, các giải pháp cũng không thể cầu toàn, doanh nghiệp cũng không thể chỉ trông chờ vào Nhà nước, cần có sự chủ động và trách nhiệm, có tính toán cụ thể để nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông Trần Tuấn Anh lưu ý.

Liên quan đến việc EU đóng cửa biên giới ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ chia sẻ, trước diễn biến dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, các nước EU đã có động thái quyết liệt đóng cửa biên giới khu vực lãnh thổ EU.

"Việc đóng cửa biên giới này nhằm bảo vệ sức khỏe của công dân EU, không phải là phong tỏa", ông Linh nhấn mạnh.

Ông Linh cũng cho hay, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cũng đã liên hệ và phía Hoa Kỳ khẳng định không áp dụng bất kỳ biện pháp nào để hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam.

Đánh giá, do đây là 2 thị trường quan trọng, ảnh hưởng đến mục tiêu và kế hoạch, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu trong chuỗi cung ứng, vì vậy tư lệnh ngành Công Thương lưu ý, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cần theo dõi sát diễn biến tình hình của các quốc gia trên, đề xuất các giải pháp và đối sách cụ thể trong thời gian tới để ưu tiên triển khai khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thống nhất cơ chế chính sách, tạo thuận lợi hỗ trợ thị trường.

Dành ưu tiên cao cho phát triển thị trường

2 tháng qua, tuy rất nhiều khó khăn, nhưng chúng ta vẫn đạt được một số kết quả tích. Hoạt động xuất nhập khẩu đã từng bước khôi phục, tăng trưởng của 2 tháng đầu năm là 8,4%, cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ của năm trước. 

Tuy nhiên, diễn biến mới nhất của tình hình dịch bệnh cho thấy có nhiều điểm lo ngại, trước hết về quan hệ thương mại quốc tế. Mức tăng trưởng 8,2% trong 2 tháng đầu năm cho thấy cơ cấu mặt hàng của chúng ta có những thay đổi. 

Hàng nông sản, thủy sản có sự giảm thiểu. Đây là một thách thức lớn vì bất luận trong trường hợp nào cũng phải dành ưu tiên cao trong phát triển thị trường, đóng góp cho sự tăng trưởng của GDP.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông đề nghị các Vụ cần làm việc cụ thể với các hiệp hội, ngành hàng (HHNH) để các HHNH rà soát, đánh giá khó khăn của đối tượng doanh nghiệp này, đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cùng với đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Công Thương sẽ tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo cân đối hàng hóa và tổ chức cung ứng hàng hóa thiết yếu vướng mắc cho sản xuất và xuất nhập khẩu; trong đó đặc biệt lưu ý tới các diễn biến mới tại khu vực châu Âu, Hoa Kỳ tác động tới đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước.

Hơn nữa, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cũng sẽ chú trọng tình hình tại Lào, Campuchia và các nước khác trong khu vực; diễn biến giá dầu thế giới đang giảm mạnh.

Đặc biệt, liên quan đến thương mại trong nước, Bộ Công Thương đã nghiên cứu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động bình ổn thị trường.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Tình hình đang đòi hỏi những kịch bản mới đủ mạnh, do vậy cần có phân tích sâu hơn, cập nhật hơn để có kịch bản phù hợp hơn, thậm chí có thể là khốc liệt hơn.

“Bất luận tình hình thế nào, Bộ Công Thương có trách nhiệm và vai trò rất lớn trong việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Vì thế, cần hành động với tinh thần quyết liệt hơn, chủ động hơn", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Liên quan đến kế hoạch cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm trong điều kiện dịch bệnh có diễn biến mới, Bộ Công Thương tiếp tục đôn đốc kiểm tra tại các địa phương, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa, tại bất kỳ địa phương nào, ở bất kỳ thời điểm nào và bất kỳ diễn biến nào.

Đối với công tác bảo đảm cân đối, cung ứng hàng hóa phục vụ người dân, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông thông tin, Bộ thường xuyên theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường thông qua trao đổi trực tiếp, tổng hợp thông tin báo cáo từ các địa phương về diễn biến tình hình thị trường, cung cầu, giá cả các hàng hóa thiết yếu trong thời gian diễn ra dịch Covid-19;

Kịp thời phối hợp chỉ đạo các Sở Công Thương địa phương có phương án bảo đảm nguồn cung khi thị trường xảy ra biến động, nhất là tại các địa phương đang có dịch như Thành phố Hà Nội, các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Hải Dương...

Bên cạnh đó, Bộ cũng hỗ trợ kết nối và cung ứng mặt hàng khẩu trang trong hệ thống phân phối, phục vụ đủ cho nhu cầu của người dân.

Về sản xuất khẩu trang vải của hơn 20 đơn vị thuộc Bộ, gồm: Tập đoàn, các doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may tham gia may khẩu trang, tổng lượng khẩu trang vải kháng khuẩn có thể đưa ra thị trường cho tới 31/3/2020 vào khoảng gần 60 triệu chiếc với năng lực may trung bình trên 1,1 triệu chiếc/ngày.

Dự kiến trong nửa đầu tháng 4/2020, các doanh nghiệp sẽ sản xuất và cung ứng ra thị trường trên 30 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn, và khẩu trang vải kháng giọt bắn.