Quay lại Dân trí
Dân Sinh

EVFTA: Cơ hội và thách thức đối với nguồn nhân lực Việt Nam

(Dân sinh) - Ngoài việc xóa bỏ đến 99% thuế quan xuất khẩu, Hiệp định EVFTA còn được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập cho người lao động Việt Nam. Tuy nhiên, cũng từ đây EVFTA có thể sẽ đặt các doanh nghiệp trước những cạnh tranh về nguồn lao động cũng như thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cần xã hội hóa mạnh mẽ khu vực đào tạo nghề

Hôm nay (17/9), tại Hà Nội, ManpowerGroup phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo "Hiệp định thương mại tư do Việt Nam- châu Âu (EVFTA): Cơ hội và thách thức đối với nguồn nhân lực Việt Nam".

Các chuyên gia cho rằng những cơ hội mà EVFTA mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam rất lớn, với điều kiện các nhà tuyển dụng phải có được lực lượng lao động phù hợp để khai thác được tất cả các cơ hội này. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được các cơ hội đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những điều chỉnh trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực hiện nay.

EVFTA: Cơ hội và thách thức đối với nguồn nhân lực Việt Nam - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội thảo

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay cần có những giải pháp thúc đẩy hợp tác công tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề.

Chỉ doanh nghiệp mới hiểu rõ nhu cầu của mình cần gì và những xu hướng biến động trên thị trường ra sao. Thông qua hợp tác công tư, các cổ chức đào tạo nghề sẽ thiết kế được các chương trình đào tạo phù hợp và sát với thực tiễn của các doanh nghiệp hơn.

Về vấn đề này, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng cần xã hội hóa mạnh mẽ khu vực đào tạo nghề, thực hiện đối tác công tư, thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào hệ thống giáo dục đào tạo.

Được biết, với nhiều giải pháp được triển khai quyết liệt, năm 2018, có thể khẳng định, giáo dục nghề nghiệp thực sự bứt phá, đổi mới và phát triển đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Theo số liệu của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, một trong những kết quả quan trọng nhất là tuyển sinh GDNN được 2,21 triệu người, là năm thứ 2 hoàn thành vượt kế hoạch dự kiến.

Đáng chú ý, cũng trong năm qua, đánh dấu sự chuyển biến và cam kết mạnh mẽ trong việc gắn kết với doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Theo thống kê, hoạt động ký kết hợp tác với doanh nghiệp diễn ra sôi nổi với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Mường Thanh, Vingroup, Samsung… từ đó, cho thấy định hướng phát triển tay nghề đáp ứng thời đại số đang đi những bước đi đúng hướng, gắn kết với nhu cầu của doanh nghiệp.

"Chính doanh nghiệp là lực lượng chủ lực tham gia đầu tư để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp hiện rất chủ động trong việc đào tạo nhân lực cho mình. Song vẫn cần những chính sách cởi mở hơn về cải cách thủ tục hành chính đơn giản và có các chính sách khuyến khích thúc đẩy đào tạo nghề từ các doanh nghiệp. Và trong hệ thống đào tạo, cần tăng cường những nội dung thiết thực, gắn với các doanh nghiệp", ông Lộc nhấn mạnh.

EVFTA: doanh nghiệp cạnh tranh về nguồn lao động

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Hiệp định EVFTA có thể sẽ đặt các doanh nghiệp trước những cạnh tranh về nguồn lao động, cũng như thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng những đòi hỏi ngày càng khắt khe về chất lượng hàng hóa, dịch vụ của thị trường châu Âu.

EVFTA: Cơ hội và thách thức đối với nguồn nhân lực Việt Nam - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, Hiệp định EVFTA có thể sẽ đặt các doanh nghiệp trước những cạnh tranh về nguồn lao động

Đánh giá về nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam, ông Nguyễn Hải Minh cho rằng, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp châu Âu cũng sẽ hướng tới đầu tư vào các ngành cần nhiều lao động như dệt may, da giày tại Việt Nam.

Trong tầm nhìn dài hạn, có thể hướng tới sản xuất những sản phẩm có độ phức tạp cao hơn như dược phẩm, thậm chí có thể có sự chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, do Việt Nam có ưu thế hơn về giá nhân công.

Đây được coi là cơ hội cho thị trường Việt Nam, tuy nhiên ông Minh cũng cho rằng, đặc thù hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu phần lớn dựa vào công nghệ, do đó, yêu cầu của các doanh nghiệp châu Âu không chỉ đơn thuần là những lao động giá rẻ, mà còn cần kỹ năng và trình độ chuyên môn cao.

"Hiện nay chúng ta vẫn đang giải bài toán về nâng cao tay nghề và chuyên môn, những kỹ năng cần thiết cho người lao động. Doanh nghiệp châu Âu sẽ cần nhiều kinh nghiệm chuyên môn, kỹ năng chuyên ngành, khả năng ngoại ngữ. Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng Việt Nam có thể cải thiện chất lượng nguồn nhân lực hiện tại để đáp ứng những đòi hỏi trong bối cảnh hợp tác mới', ông Minh nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), tính tới thời điểm hiện tại, tác động lớn nhất EVFTA đến lao động tại Việt Nam là việc người lao động được tự do thành lập tổ chức đại diện cho mình ở cấp doanh nghiệp và cấp cao hơn.

Đây là câu chuyện liên quan trực tiếp tới doanh nghiệp vì doanh nghiệp sẽ bỏ chi phí thế nào trong bối cảnh 1 doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện và sẽ gây nhiều rắc rối trên thực tế. Trong khi đó, vấn đề sử dụng lao động trẻ em mặc dù không phổ biến nhưng ở các khu vực nông thôn vẫn có hiện tượng này nhất là các lĩnh vực liên quan tới tiểu thủ công nghiệp.

Về phía nhà tuyển dụng, ông Phạm Hồng Quân, Giám đốc nhân sự khu vực châu Á – Thái Bình Dương Piaggio cho rằng, khi tại doanh nghiệp này, có những vị trí đòi hỏi khả năng tư duy chiến lược cao, kết hợp với khả năng lãnh đạo khá, trên thực tế rất khó tìm kiếm được nhân sự đáp ứng được ở thị trường Việt Nam.

Do đó, Piaggio phải hướng sự tìm nhân sự thay thế đến từ các quốc gia khác như Pháp, Đức…

Về cơ bản lao động Việt Nam chỉ đang giữ vị trí cấp trung chứ chưa đạt được vị trí cao cấp, tức là chỉ ở cấp báo cáo thứ ba so với vị trí tổng giám đốc cao nhất. Lý do là tầm nhìn chiến lược trong việc hoạch định công việc với chiến lược phát triển kinh doanh của công ty, cũng như khả năng quản lý lãnh đạo của lao động Việt Nam chưa đủ tầm.

Thậm chí, ông Quân khẳng định, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư vì mong muốn có chất lượng nhân sự cao cấp nên sẵn sàng bỏ ra số tiền cao hơn hẳn mức lương trên thị trường để thu hút lao động, song vẫn rất khó khăn trong việc tuyển người.

Một số chuyên gia khác cho rằng, chất lượng nhân lực đang là thách thức lớn với Việt Nam. Những hiệp định thương mại đem đến những cơ hội, nhưng đồng thời cũng sẽ mở ra các cuộc chiến về nhân tài, đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, có kỹ năng hợp tác, quản lý dự án.

Doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm những nhân lực có độ chín nhất định, có khả năng đi ngược dòng để chinh phục, khả năng tạo quyết định mang tính sống còn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây lại chưa phải là thế mạnh của nhân lực Việt Nam hiện nay.

Với tâm lý "một nghề thì sống, đống nghề thì chết" của nhiều người Việt, tập trung vào làm tốt một nghề lại trở thành điểm yếu trong bối cảnh thị trường làm việc mới khi ngày càng đòi hỏi nhiều kỹ năng tích hợp.