Quay lại Dân trí
Dân Sinh

FDA phê duyệt tiêm liều 4 vaccine COVID-19 cho đối tượng có nguy cơ cao

Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) vừa phê duyệt liều 2 tăng cường, tức liều 4 vaccine ngừa COVID-19 cho người 50 tuổi trở lên. Cấp phép cũng mở rộng đối với đối tượng suy giảm miễn dịch từ 12 tuổi trở lên.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Theo báo Sức khoẻ và Đời sống, Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt liều 2 tăng cường (tức liều 4) vaccine COVID-19 mRNA của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna cho người cao tuổi và người có hệ miễn dịch yếu ở Mỹ.

Liều tăng cường thứ 2 này nhằm bảo vệ nhóm những người dễ bị tổn thương khỏi nguy cơ mắc bệnh nặng, nhập viện hay tử vong do COVID-19. Dù liều tăng cường 1 (liều 3 vaccine COVID-19) có thể tăng cường bảo vệ trước COVID-19, tuy nhiên hiệu quả của vaccine giảm dần sau 4 tháng.

Theo TS. Peter Marks, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Kiểm định Sinh học của FDA: “Bằng chứng hiện nay cho thấy hiệu quả bảo vệ của vaccine COVID-19 suy giảm theo thời gian ở người cao tuổi và người có hệ miễn dịch kém”. 

Dựa theo phân tích dữ liệu, liều tăng cường thứ 2 (tức liều 4) vaccine Pfizer-BioNTech hoặc Moderna ngừa COVID-19 có thể nâng cao mức độ bảo vệ ở đối tượng có nguy cơ cao.

Được biết, ngay sau khi FDA cấp phép liều tiêm tăng cường thứ 2, Trung tâm Dự phòng và Kiếm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ cũng cập nhật khuyến cáo cho phép tiêm thêm liều tăng cường vaccine mRNA. Cả FDA lẫn CDC Mỹ đều khuyên nên tiêm liều tăng cường thứ 2 cách liều tăng cường thứ nhất 4 tháng cho những đối tượng: Người 50 tuổi trở lên có thể tiêm liều tăng cường thứ 2 một trong hai loại vaccine mRNA Pfizer-BioNTech hoặc Moderna. Người suy giảm miễn dịch từ 12 tuổi trở lên có thể tiêm liều tăng cường thứ 2 vaccine Pfizer-BioNTech.

Cho đến nay, tiêm vaccine vẫn là giải pháp tối ưu để phòng COVID-19. Theo một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Radiology, một số người đã bình phục sau khi bị viêm phổi do mắc COVID-19, tuy nhiên kết quả chụp cộng hưởng từ (CT) cho thấy các tổn thương ở phổi vẫn còn kéo dài 1 năm sau khi có các triệu chứng viêm.

Theo trang Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam), dịch COVID-19 đã làm gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe hậu nhiễm. Các tác động ngắn hạn của COVID-19 trên phổi, như viêm phổi, hiện đã rõ nhưng chúng ta chưa biết nhiều về các tác động lâu dài của COVID-19 đến bộ phận tối quan trọng của hệ hô hấp này.

Trong nghiên cứu tại Áo về diễn biến của bệnh phổi ở các bệnh nhân từng mắc COVID-19, các nhà nghiên cứu đã xem xét các cơ sở và tỷ lệ tăng bất thường ở phổi qua hình ảnh CT ở các bệnh nhân 1 năm sau khi mắc viêm phổi do COVID-19. Kết quả cho thấy những bất thường về phổi vẫn tồn tại ở 49 trong số 91 bệnh nhân được nghiên cứu (tức 54%).

Đồng tác giả nghiên cứu, bà Anna Luger, Khoa Phóng xạ học tại Đại học Y Innsbruck (Áo), cho biết: “Các bất thường về phổi được quan sát trong hình ảnh CT đã cho thấy tế bào phổi bị tổn thương. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu các tổn thương này có để lại sẹo vĩnh viễn hay không và liệu chúng có giảm dần theo thời gian, hay sẽ dẫn tới xơ hóa phổi”.

Trong nghiên cứu, các bất thường ở phổi thể hiện trên CT giảm trong thời gian đầu sau bình phục, 63% bệnh nhân không tăng các bất thường về phổi sau 6 tháng. Nhưng với những người trên 60 tuổi, mắc COVID-19 nặng và là nam giới, các bất thường ở phổi kéo dài suốt 1 năm.