Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Gần 9 triệu việc làm bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Đức hỗ trợ người lao động, giúp các "ông lớn" thở phào nhẹ nhõm

Ra đời tại Đức sau Thế chiến II, chương trình Kurzarbei do nhà nước hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp trả tiền lương cho lao động ngay cả khi họ không đi làm, tránh trường hợp sa thải hàng loạt khi trải qua giai đoạn khó khăn.

Đây là một chương trình hỗ trợ đang nhận được nhiều sự chú ý trong bối cảnh các chính phủ trên khắp thế giới nỗ lực chống chọi với hậu quả kinh tế mà đại dịch Covid-19 gây ra. 

Trong thời kỳ bùng nổ, các bộ luật có lợi cho người lao động châu Âu đã hứng chịu nhiều chỉ trích về vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bởi những chương trình này lại ngăn cản các công ty tuyển dụng, sa thải nhân viên theo ý muốn. Còn ở những thời điểm khó khăn như hiện tại, thì Kurzarbeitlại trở thành một "điểm sáng".

1. Kurzarbeithoạt động như thế nào?

Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt đơn đặt hàng, gặp gián đoạn trong quá trình sản xuất  – một điều không thể tránh khỏi khi trải qua khủng hoảng. Những công ty này có thể nộp đơn xin trợ cấp của chính phủ, hỗ trợ trả lương cho nhân viên trong khi hoạt động sản xuất bị cắt giảm hoặc tạm ngừng. Các công ty vẫn chịu trách nhiệm trả lương cho nhân viên và phải nộp đơn để chính phủ hoàn tiền.

Kurzarbeit thường hỗ trợ 60% tổng số tiền lương cho người lao động, đối với những người có con là 67%. Con số này cao hơn nhiều so với những gì người lao động ở Mỹ và một số nơi khác nhận được. Chính phủ Đức gần đây đã mở rộng chương trình này, theo đó các nhân viên hợp đồng cũng được hỗ trợ, chi trả cả các khoản bảo hiểm xã hội cho người lao động và giúp người lao động tiếp cận dễ dàng hơn.

2. Chương trình này có phổ biến không?

Các công ty nhỏ phàn nàn rằng Kurzarbeit không hề hoàn hảo, vì họ cần có khoản tiền lớn để thanh toán trước tiền lương cho nhân viên. Liên đoàn Lao động Verdi cho biết nguồn trợ cấp của chính phủ không đủ để hỗ trợ cho người lao động trong các ngành lương thấp như nhà hàng và khách sạn. Theo ước tính, quy mô của Kurzarbeit trong năm nay có thể lên tới 10 tỷ euro. 

Dẫu vậy, chương trình này thường xuyên nhận được sự ủng hộ. Kurzarbeit đã giúp "giữ chân" khoảng nửa triệu người lao động trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, theo báo cáo của OECD năm 2009. Còn ở lần này, Bộ trưởng Lao động Đức cho biết Kurzarbeit sẽ giúp họ "cứu" hàng triệu người lao động.

3. Được sử dụng như thế nào?

Các công ty của Đức, đặc biệt là các nhà sản xuất, thường xuyên sử dụng Kurzarbeit ngay cả khi khủng hoảng kinh tế không diễn ra. Họ có thể sử dụng để bù đắp cho những thay đổi trong quá trình sản xuất, ví dụ như thời tiết xấu ảnh hưởng đến việc xây dựng. Trong những trường hợp đặc biệt, chương trình này còn có thể được các công ty đang cải tổ sử dụng, nhằm tránh việc sa thải nhân viên đột ngột.

4. Bao nhiêu công ty hiện đang sử dụng Kurzarbeit?

Số lượng công ty nộp đơn tham gia Kurzarbeit đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 3, lên tới 470.000, điều này cho thấy khoảng 9 triệu người lao động – tương đương 20% lực lượng lao động, tại Đức hưởng chương trình rút ngắn việc làm. Trong khi đó, năm 2019 chỉ có khoảng 1.300 công ty nộp đơn xin hỗ trợ mỗi tháng. Những công ty lớn bao gồm Volkswagen, BMW, Daimler, Puma and hãng hàng không Lufthansa đều cho biết họ có kế hoạch sử dụng Kurzarbeit. 

5. Các quốc gia khác có chương trình tương tự?

Pháp, Italy, Bỉ và Hà Lan là cũng những quốc gia châu Âu cho phép các công ty gặp khó khăn tiếp cận quỹ hỗ trợ của chính phủ để trả lương cho nhân viên trong giai đoạn thu nhập sụt giảm hoặc mất hoàn toàn. Nhiều nước gần đây cũng cam kết thúc đẩy các chương trình tương tự với nguồn vốn bổ sung, Uỷ ban châu Âu (EC) cũng cho biết muốn hỗ trợ các chính phủ thực hiện chính sách như vậy.

Ngoài ra, Canada cũng có gói hỗ trợ thu nhập cho người dân khi bị cắt giảm giờ làm, cùng với đó là 1 chương trình trợ giúp các đối tượng gặp khó khăn về kinh tế được đưa ra từ trước. Khi đại dịch đang gây ra những tổn thất về kinh tế, thì các quốc gia khác lần lượt cũng đưa ra động thái tương tự.

Tham khảo Bloomberg
Gần 9 triệu việc làm bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Đức hỗ trợ người lao động, giúp các "ông lớn" thở phào nhẹ nhõm - Ảnh 2.