Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Gần 90% lao động nông thôn ở Tam Nông có việc làm sau học nghề

(Dân sinh) - Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của huyện Tam Nông – Phú Thọ đạt 87%, vượt 5% so với Nghị quyết Đại hội đề ra. Thông qua chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã giúp người dân thay đổi nhận thức, nắm bắt kỹ thuật sản xuất tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo của huyện.

Gần 90 lao động nông thôn ở Tam Nông có việc làm sau học nghề - Ảnh 1.

Dạy nghề lắp đặt điện

Qua 10 năm thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Tam Nông đã tổ chức được 60 lớp đào tạo nghề cho gần 2.000 học viên. Nhờ đó phần lớn các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới của các xã đều được cải thiện về mức độ, kinh tế địa phương tiếp tục phát triển; nhiều đơn vị đã xây dựng được mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả; tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất được triển khai, ứng dụng, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng nông lâm sản và thu nhập của người dân nông thôn. Năm 2019, thu nhập bình quân đạt 33 triệu đồng/người, tăng 2 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo 3,63%, giảm 2,1 lần so với năm 2010.

Được tham gia nhiều lớp dạy trồng rau an toàn do huyện tổ chức, gia đình anh chị Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Hoàng Mạnh ở khu 8, xã Hương Nộn đã triển khai thành công mô hình hợp tác xã rau an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGap. Thu nhập bình quân từ mô hình trên đạt hơn 50 triệu đồng/tháng, sản phẩm đầu ra có giá thành cao gấp đôi thị trường. Đồng thời góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh mô hình dạy trồng rau an toàn tại xã Hương Nộn, Quang Húc và xã Dân Quyền, huyện đã triển khai một số mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả cao như: Nuôi và phòng trị bệnh cho lợn tại xã Hương Nộn; mô hình trồng và nhân giống nấm, mô hình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch nhựa sơn tại xã Bắc Sơn, Vạn Xuân; các lớp dạy may công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp, hàn công nghiệp.

Bên cạnh đó, các tổ chức như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Huyện đoàn từ cấp huyện đến cấp xã, Trạm khuyến nông huyện đã mở các lớp dạy may công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp, hàn công nghiệp, nấu ăn, trồng rau sạch, nuôi gia cầm cho lao động nông thôn.

Vừa được tham gia lớp dạy nghề may công nghiệp vào tháng 7/2020 cùng với 34 học viên khác do Hội Nông dân huyện tổ chức, chị Hà Thị Hoa (xã Tứ Mỹ) cho biết: Sau 3 tháng được đào tạo, tôi đã nắm được những kiến thức cơ bản về quy trình kỹ thuật cơ bản của nghề may công nghiệp. Với kiến thức này tôi có thể vào làm công nhân may tại các doanh nghiệp trên địa bàn xã và các xã lân cận.

Bà Lê Thị Thu Hiền - Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tam Nông cho biết: Xác định để thực hiện tốt công tác dạy nghề cho lao động nông thôn thì phải lấy cấp xã là trung tâm. Bởi vậy chúng tôi đã chú trọng làm tốt việc khảo sát nhu cầu học nghề tại các xã, thị trấn và nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Việc đào tạo phải phối hợp chặt chẽ giữa 3 yếu tố nhà quản lý - doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm - người lao động học nghề để gắn nhu cầu người học và đầu ra.