Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Gặp lại nữ phát thanh của tuổi thơ

Chương trình “Những bông hoa nhỏ” cách đây hơn 40 năm đã trở thành ký ức tuổi thơ của bao thế hệ. Từ 19 giờ đến 19 giờ 15 phút mỗi tối với hình hiệu hai em đội viên giơ tay chào cùng khúc nhạc rộn rã, nhưng mang đến niềm vui và đong đầy cảm xúc của thiếu nhi ngày ấy. Nhưng điều ấn tượng nhất chính là sự xuất hiện của nữ phát thanh viên Nguyễn Bích Ngọc xinh đẹp, cổ quàng khăn đỏ, luôn nở nụ cười tươi với giọng đọc ấm áp, truyền cảm đi vào lòng người.

Phát thanh viên Chương trình truyền hình “Những bông hoa nhỏ - Nguyễn Bích Ngọc.

Phát thanh viên Chương trình truyền hình “Những bông hoa nhỏ" - Nguyễn Bích Ngọc.

Có duyên với nhà đài

Cuối giờ chiều một ngày đầu tháng 6 oi ả, hòa vào dòng người trên phố, tôi tìm về ký ức tuổi thơ với giọng đọc đi vào lòng người một thời Nguyễn Bích Ngọc, phát thanh viên (PTV) Chương trình truyền hình “Những bông hoa nhỏ” (NBHN) Đài Truyền hình Việt Nam tại số 1A, ngõ 155 Đặng Tiến Đông, Hà Nội.

Tôi đến cũng là lúc bà vừa dùng xong bữa tối. Chỉ cho tôi chỗ để xe xong, bà mời vào nhà. Tôi ngỡ ngàng khi được nghe lại giọng nói quen thuộc của mấy chục năm về trước trên… truyền hình. Ở tuổi xấp xỉ 70 nhưng gương mặt bà luôn tươi vui, với nụ cười thường trực, đặc biệt giọng nói vẫn như thời của NBHN của ngày xưa. Bà  bảo, bao năm “bỏ nghề” rồi, nhưng tôi thấy mình thật hạnh phúc vì vẫn được mọi người dành cho tình cảm đặc biệt, đó là “Cô của những bông hoa nhỏ”, “Cô của tuổi thơ…”.

Rót cho tôi ly nước mát, chỉnh thêm gió quạt, nét mặt rạng rỡ, bà kể: Tôi là người Hà Nội, sau khi tốt nghiệp sư phạm 10+2, tôi được phân về làm giáo viên dạy Văn ở trường Trung Phụng, Khâm Thiên. Thời gian này tôi ở cùng cô Lan Hương, PTV Đài Tiếng nói Việt Nam. Thời gian đó ở Đài đang cần tuyển người để dẫn chương trình thiếu nhi, cô Lan Hương bảo: “Ngọc thử đi, cô thấy giọng con ấm áp, trông con lại phù hợp với thiếu nhi, con đi tuyển xem phù hợp không? (Khi đó truyền hình chưa tách ra khỏi phát thanh, vẫn gọi chung là Ủy ban Phát thanh và Truyền hình).

Theo lời cô Hương, tôi đến Đài ở phố Quán Sứ thi tuyển. Ban giám khảo yêu cầu tôi đọc một câu chuyện về thiếu nhi và tôi đã kể một câu chuyện cổ tích của Việt Nam. Sau đó họ yêu cầu tôi ngồi trước máy quay để hát một bài vì phải tuyển cả hình lẫn tiếng để xem giọng đọc có phù hợp và truyền cảm, hiền hòa với trẻ em không. Tôi rất căng thẳng, nhưng được sự động viên của cô Lan Hương nên đã vượt qua. Tôi được các cô chú khen… Mấy ngày sau cô Lan Hương về bảo: “Con được nhận rồi, trước mắt là cộng tác viên…”.

Tôi bắt đầu gắn bó với NBHN từ đó. Chỉ 15 phút thôi, nhưng cũng phải quay thử đi thử lại hàng vài tiếng. Đầu tiên là giới thiệu nội dung, đọc bản tin tức, rồi thuyết minh phim tài liệu, phim hoạt hình “Hãy đợi đấy”, phim truyền hình “Maika - cô bé từ trên trời rơi xuống”, rồi dẫn các tiết mục văn nghệ. Đầu năm 1975, tôi chính thức xin thôi công việc giáo viên để chuyển hẳn sang truyền hình.

Nữ phát thanh viên Nguyễn Bích Ngọc với giọng đọc ấm áp, truyền cảm đi vào lòng người.

Nữ phát thanh viên Nguyễn Bích Ngọc với giọng đọc ấm áp, truyền cảm đi vào lòng người.

Empty

Luôn dành những tình cảm đặc biệt cho thiếu nhi, không chỉ dừng lại là một phát thanh viên, mà trong lòng luôn đau đáu phải làm sao để ngày càng có nhiều chương trình phong phú, bổ ích dành cho các em. Bà Ngọc đã tham gia các khóa học biên tập, đạo diễn, sản xuất phim truyền hình cũng đều chuyên về thiếu nhi, hết dựng các vở rối lại đến hoạt cảnh, kịch câm, ca nhạc… Với những cố gắng đó, bà Ngọc giành được nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc, Bằng khen liên hoan phim truyền hình toàn quốc...

Ký ức ngày mới vào nghề

Chia sẻ về thời gian đầu mới vào Đài, bà Ngọc cho biết, tuy mới tập sự, nhưng tôi đã phải lên hình luôn để lấy ý kiến khán giả và ban biên tập. Bởi, thời điểm ấy truyền hình còn quá mới nên có rất nhiều độc giả xem. Chỉ với  chiếc ti vi đen trắng nhưng mọi người đón xem như một điều gì lạ lắm, nó mang đến niềm vui trong từng gia đình, như một luồng gió mới mẻ, một cảm nhận, thưởng thức mới nhưng rất hiện đại.

Có duyên gắn bó với thiếu nhi, bà Ngọc luôn thấy vui và tự hào vì mình là người đã làm được nghề tốt.

Có duyên gắn bó với thiếu nhi, bà Ngọc luôn thấy vui và tự hào vì mình là người đã làm được nghề tốt.

Để chuẩn bị cho mỗi buổi lên hình, tôi phải ngồi trước gương để tập nói như đang ngồi trước ống kính máy quay, khi ấy đòi hỏi PTV luôn có cảm giác mình như là một cô giáo hoặc chị phụ trách để nói với các em thiếu nhi ngồi trước màn ảnh. Do vậy đòi hỏi người dẫn chương trình phải có cảm giác, cảm xúc để nói lên những vấn đề, nội dung truyền đạt cho các em một cách dễ hiểu nhất.

Đưa tay vuốt sợi tóc trước mặt, dường như ký ức của những ngày “tập tễnh” vào nghề như đang hiện hữu, giọng bà Ngọc hào hứng: Giờ mỗi khi nghĩ lại thời điểm đó tôi lại càng thấy được sự nỗ lực của mình. Đó là mỗi khi dẫn chương trình, đòi hỏi người PTV phải nói lưu loát, không được vấp, phải có sự truyền cảm. Khi đó PTV một lúc phải nhập nhiều vai như diễn viên. Nếu như không có bản lĩnh như một diễn viên, khi lên sóng phát trực tiếp sẽ hỏng mất chương trình. Bởi, thời gian thử nghiệm đầu tiên những người dẫn chương trình đều phải phát trực tiếp chứ không như bây giờ được ghi hình trước, hơn nữa thời gian đó cũng không có điều kiện để ghi băng, ghi hình.

Để nói lưu loát, không bị vấp mà giọng nói còn phải có sự truyền cảm, bà Ngọc tận dụng thời gian từ nhà đến cơ quan, hoặc mọi lúc, mọi nơi có thể để tập, thuộc lời dẫn chương trình. Ngoài ra, bà Ngọc còn phải tập, rèn cho mình một bản lĩnh để luôn làm chủ được ống kính, hiện trường và ánh sáng trước mặt với nhiều camera, nhiều độc giả, lại trong một không gian nóng nực, bởi hồi đó chưa có điều hòa như bây giờ.

Vui vì được... nghề chọn

Tiết trời Hà Nội những ngày này thật không dễ chịu chút nào càng khiến cuộc trò chuyện của tôi với giọng ký ức tuổi thơ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. “Khi thuyết minh phim cho thiếu nhi, một mình tôi phải đóng hai vai sói và thỏ. Giọng của thỏ non nớt, yếu đuối; giọng sói phải mạnh mẽ và hơi độc ác, đòi hỏi người thuyết minh phải nghiên cứu kỹ kịch bản, tập đọc từng li từng tý; thậm chí tập diễn và hóa thân thành nhân vật. Phải thành diễn viên thật, giọng dẫn cũng lại khác. Chẳng hạn: Lời dẫn: “Ngày hôm nay chúng ta, trong một buổi sáng trời trong xanh. Nhưng bạn thỏ thì: Em ơi, anh ơi chờ em với; nhưng sói thì: Không, tôi không được như thế…”, vì thế trẻ con rất thích nghe tôi đọc thuyết minh phim”, nữ phát thanh Bích Ngọc hào hứng đọc lời thuyết minh ngày xưa.

Bà Ngọc chăm sóc vườn cây của gia đình.

Bà Ngọc chăm sóc vườn cây của gia đình.

Tôi còn chưa hết ngỡ ngàng vì giọng thỏ trong trẻo, giọng sói ồm ồm vừa được bà thể hiện, bỗng giai điệu nhạc hiệu của NBHN một thời khe khẽ vang lên: “Là la la lá la, lá la la…”. Dường như không để ý đến sự ngạc nhiên của tôi, bà cười tươi: “Đó là nhạc hiệu của NBHN đó con. Ngày ấy, trong tổ thiếu nhi phải đi chọn hình hiệu, chọn tên. Phải chọn trong rất nhiều bài hát dành cho thiếu nhi có nét nhạc vui tươi, trong sáng để các em dễ nhớ. Sau đó cả tổ quyết định chọn một đoạn trong một bài hát thiếu nhi”…

Suốt một đời làm truyền hình, có duyên gắn bó với thiếu nhi, cho đến giờ PTV Bích Ngọc luôn thấy vui vì đã may mắn được nghề chọn và bà rất tự hào vì mình là người đã làm được nghề tốt.

Bà Ngọc (bên phải) trò chuyện cùng tác giả.

Bà Ngọc (bên phải) trò chuyện cùng tác giả.

Một món quà vô giá nữa khiến bà Ngọc rất vui, đó là bao nhiêu năm trôi qua, chương trình NBHN đã không còn, nhưng lớp lớp thế hệ vẫn nhớ đến cô Bích Ngọc một thời. Bà kể, những năm còn công tác, sự xuất hiện của bà ở bất cứ đâu dù đi ngoài đường hay đi chợ, ngồi ăn sáng… đều được mọi người đều nhận ra. “Ơ, cô Bích Ngọc vừa hôm qua tôi thấy cô dẫn chương trình trên ti vi, giờ được gặp cô ở đây. Trông ở ngoài cô còn vui tươi, nhanh nhẹn hơn ở trong trong hình đấy”, khuôn mặt bà rạng ngời khi nhớ lại.

Kỷ niệm vui và ý nghĩa nhất đối với bà khi vào nghề chính là mốc thời gian lịch sử đáng nhớ của cả dân tộc. “Cả đời làm nghề, niềm vui, kỷ niệm với tôi rất nhiều, nhưng ký ức không thể nào quên, đó là ngày tôi được nhận vào Đài Truyền hình Việt Nam chính thức cũng chính là những ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Có lẽ không thể tả được niềm vui, khi ấy tôi ngồi trong phòng đọc để chuẩn bị lên hình thì nghe tin tức chiến thắng của miền Nam dội về từng ngày một. Trong tôi luôn thôi thúc rằng phải làm sao để nói hay hơn, diễn đạt như thế nào để khán giả ở ngoài thấy được niềm vui của ngày miền Nam giải phóng… Thật sự thời điểm đó rất hiếm ai được có cảm giác như tôi, nó thực sự thiêng liêng”, bà Ngọc xúc động.

Chương trình “Những bông hoa nhỏ” cách đây hơn 40 năm đã trở thành ký ức tuổi thơ của bao thế hệ.

Chương trình “Những bông hoa nhỏ” cách đây hơn 40 năm đã trở thành ký ức tuổi thơ của bao thế hệ.

“Chào các bạn, chào các em, chương trình Những bông hoa nhỏ hôm nay sẽ giới thiệu với các bạn và các em phim hoạt hình “Hãy đợi đấy”… “Các bạn và các em thân mến, chương trình của chúng ta hôm nay đến đây là hết. Hẹn gặp lại các bạn và các em vào chương trình ngày mai”... Trước mắt tôi là hình ảnh cô Bích Ngọc của NBHN một thời với giọng đọc còn mãi với thời gian.

Chia tay bà khi phố đã lên đèn, tôi mang theo những trăn trở của một người cả đời chỉ biết cống hiến và hy sinh thầm lặng cho thiếu nhi “Bây giờ rất hiếm các chương trình truyền hình thiếu nhi đọng lại dấu ấn sâu đậm như NBHN ngày xưa…”.

Hơn 50 năm trước, ngày 7/9/1970, trên Đài Truyền hình Việt Nam xuất hiện một chương trình mới dành cho thiếu nhi mang tên “Những bông hoa nhỏ” do cố nhạc sĩ Trần Đức khởi xướng. Ý tưởng chương trình xuất phát từ "Những gương mặt nhỏ" của Đài Truyền hình Cu ba - nơi nhạc sĩ Trần Đức được cử sang học đạo diễn truyền hình.