Quay lại Dân trí
Dân Sinh

GDNN nâng chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động

(Dân sinh) - Năm 2020 là năm có ý nghĩa rất quan trọng để hoàn thành kế hoạch 5 năm và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới. GDNN sẽ tiếp tục đổi mới hướng tới mục tiêu tăng quy mô và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn.

GDNN nâng chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao đông - Ảnh 1.

Sinh viên Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam thực hành điều khiển máy xúc trong lò.

Với mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Về công tác tuyển sinh, dự kiến hệ thống GDNN tuyển sinh 2.260 triệu người, trong đó: Trình độ trung cấp và cao đẳng: 560 nghìn người; Trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác: 1.700 nghìn người, trong đó dạy nghề cho lao động nông thôn 1 triệu người. Tốt nghiệp: 2,19 triệu người, trong đó: Cao đẳng và trung cấp: 510 nghìn người; Sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác: 1.680 nghìn người.

Để thực hiện mục tiêu trên ngành GDNN đề ta một số nhiệm vụ trọng tâm. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển GDNN đã được ban hành; đồng thời xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục sửa đổi, Bộ Luật Lao động sửa đổi, nhất là cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp gắn kết với GDNN; quy định danh mục và lộ trình những ngành, nghề bắt buộc phải sử dụng lao động qua GDNN hoặc phải có CC KNNQG mới được tham gia thị trường lao động. Xây dựng Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030.

Đẩy mạnh truyền thông, hướng nghiệp, phân luồng để tăng quy mô tuyển sinh; chú trọng đào tạo cập nhật bổ sung kiến thức kỹ năng nghề cho người lao động đáp ứng yêu cầu tăng năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia... Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Diễn đàn "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam", Tổng cục sẽ báo cáo Bộ đề xuất Thủ tướng Chính phủ các chính sách để tôn vinh, lan tỏa những giá trị của nhân lực có kỹ năng nghề tới giới trẻ và xã hội như: Ngày "Kỹ năng lao động Việt Nam", Giải thưởng quốc gia cho người học tiêu biểu, danh hiệu "Đại sứ kỹ năng Việt Nam".

Tiếp tục triển khai các giải pháp hiệu quả, đồng bộ phục vụ công tác tuyển sinh đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, tuyển dụng vào doanh nghiệp tạo thu nhập cho người lao động, như: Tăng cường công tác tuyên truyền phục vụ cho tuyển sinh; tiếp tục tham gia, tổ chức chương trình tư vấn, tuyển sinh; triển khai đồng bộ các chính sách đối với người tham gia học nghề; đẩy mạnh việc tư vấn, hướng nghiệp phân luồng đào tạo nghề... Đẩy mạnh việc hướng dẫn địa phương, cơ sở phối hợp ngành giáo dục triển khai thực hiện Quyết định 552/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025".

Làm tốt công tác sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở GDNN. Trong năm 2020, Tổng cục sẽ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN giai đoạn 2021 - 2030; hướng dẫn, phối hợp, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo các cơ sở GDNN sau khi sắp xếp, tổ chức lại cần nhanh chóng ổn định tổ chức, đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng và hoạt động có hiệu quả; đồng thời, tiếp tục sáp nhập hoặc giải thể các cơ sở GDNN hoạt động không hiệu quả; đối với những cơ sở đủ năng lực tự chủ thì tạo điều kiện để phát triển; tập trung nguồn lực đầu tư một số trường chất lượng cao, ngành, nghề trọng điểm; khuyến khích phát triển các cơ sở ngoài công lập; phát triển mạnh mẽ các mô hình đào tạo nghề trong doanh nghiệp; hợp tác với doanh nghiệp để đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN.

Đẩy nhanh chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo; đặc biệt là chuẩn hóa, đổi mới phương pháp giảng dạy cho nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN, người dạy tại các doanh nghiệp; chuẩn đầu ra; chuẩn về cơ sở vật chất, thiết bị; các định mức kinh tế - kỹ thuật cho từng ngành, nghề; triển khai có hiệu quả đào tạo theo chương trình chuyển giao của nước ngoài; thí điểm đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng đối với học sinh tốt nghiệp THCS; tăng cường dạy và học tin học, ngoại ngữ trong GDNN; đẩy mạnh việc thành lập các Trung tâm kiểm định và hoạt động kiểm định chất lượng GDNN; đàm phán, công nhận văn bằng chứng chỉ, kỹ năng nghề giữa Việt Nam và các nước.

Triển khai có hiệu quả các hoạt động gắn kết GDNN với doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu, đồng hành cùng cơ sở GDNN; quy định mẫu hợp đồng nguyên tắc đào tạo giữa Doanh nghiệp - Nhà nước - Nhà trường; tăng cường sự phối hợp giữa cơ sở GDNN và các trung tâm dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp cung ứng lao động trong và ngoài nước. Tăng cường ứng dụng CNTT, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN; hoàn thành cơ sở dữ liệu, tổ chức quản lý văn bằng GDNN trực tuyến, đẩy mạnh đào tạo online gắn với phát triển hệ thống GDNN mở và học tập suốt đời; xây dựng ứng dụng trên thiết bị di động để gắn kết cung-cầu lao động qua đào tạo nghề.