Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Gia đình 5 người liên tục nhập viện trong mấy tháng ngắn ngủi do bị trúng độc thuốc diệt côn trùng sử dụng trong nhà

Cô Cao (Chiết Giang, Trung Quốc) nhập viện do đau bụng, buồn nôn, chóng mặt... Trước đó, ba con trai của cô đã phải nhập viện nhiều lần vì những triệu chứng tương tự. Chỉ trong mấy tháng ngắn ngủi, gia đình tái phát bệnh khiến mọi người vô cùng hoang mang.

Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Y học cổ truyền Vĩnh Khang (Chiết Giang, Trung Quốc) tiếp nhận trường hợp cô Cao nhập viện với triệu chứng đau bụng, buồn nôn, chóng mặt. Từ mấy tháng trước, gia đình 5 người cô Cao đã liên tục phải nhập viện vì các triệu chứng tương tự khiến mọi người rất hoang mang. Bác sĩ khám và kết luận: tất cả các trường hợp đều bị trúng độc đường hô hấp.

Bệnh viện đã phải làm việc với nhiều bên để tìm ra nguyên nhân: “Tôi muốn tìm hiểu vì sao gia đình lại tái phát nhiều lần, mỗi lần đều nặng hơn. Đặc biệt là đứa con trai lớn, gan thận kém, bạch cầu giảm. Đứa con trai bé thì bị co giật toàn thân”, Chủ nhiệm Khoa tiêu hóa Trần Minh Đồng chia sẻ.

Bác sĩ cũng phát hiện ra một đặc điểm, đó là trẻ em có nhiều triệu chứng nặng hơn, cha mẹ triệu chứng nhẹ hơn. Sau khi điều tra tìm hiểu nguyên nhân, bác sĩ phát hiện rằng gia đình này cứ sau một thời gian ngắn lại phun thuốc diệt côn trùng, điều này khiến cả nhà bị trúng độc.

Gia đình 5 người liên tục nhập viện trong mấy tháng ngắn ngủi do bị trúng độc thuốc diệt côn trùng sử dụng trong nhà - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tìm hiểu sâu hơn, được biết vì trong nhà xuất hiện nhiều côn trùng bay nhỏ nên gia đình cô Cao đã mua loại bột diệt côn trùng không rõ nguồn gốc, cứ cách một lúc lại lấy ra, hòa với nước rồi phun khắp nhà.

Hơn nữa, bác sĩ còn nhận thấy căn phòng nơi anh em ở thông gió kém, trong khi cửa sổ phòng của bố mẹ thông gió tốt hơn. Điều này đã giải thích cho tần suất và mức độ triệu chứng bệnh của họ.

Khi sử dụng thuốc diệt côn trùng trong nhà, hãy chú ý đến những điểm sau:

- Sử dụng ít, vừa phải, tối đa 2 ~ 3 lần/ tuần.

- Sau khi phun thuốc, rời khỏi nơi phun ngay lập tức, đợi khoảng nửa tiếng cho nơi đó thông thoáng rồi hẵng đi vào. Điều quan trọng là không sử dụng hương đuổi muỗi trong môi trường kín để tránh gây trúng độc cho con người.

- Trẻ em không nên tiếp xúc với bất kỳ loại diệt côn trùng nào để tránh gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của não bộ. Tốt nhất không sử dụng thuốc trong phòng của phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh dưới 3 tuổi.

- Khi phun thuốc trong phòng bếp, cẩn thận tránh làm ô nhiễm thực phẩm và dụng cụ nấu nướng.

- Vì sử dụng lâu dài sẽ làm côn trùng sản sinh sự kháng thuốc, qua một thời gian sử dụng nên tìm các phương pháp khác để đuổi côn trùng.

- Không sử dụng nhiều loại thuốc diệt côn trùng khác nhau, ví dụ như thuốc phun diệt côn trùng dùng cùng với hương đuổi muỗi sẽ làm tăng độc tính.

- Không mua thuốc diệt côn trùng không ghi rõ nguồn gốc và không có thành phần diệt côn trùng hiệu quả.

- Chú ý: Trong thành phần bình phun xịt diệt côn trùng có thành phần rất dễ bắt lửa. Vì vậy: không phơi nắng, không xịt vào lửa và khu vực có nhiệt độ cao, không dùng đồng thời với vợt bắt muỗi bằng điện để tránh gây cháy nổ.

Nguồn và ảnh: Kknews, Sohu, Healthline