Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Gia đình có hai thế hệ học cùng trường, cùng lớp

Dù bước vào tuổi trung niên, điều kiện kinh tế khá giả, công việc ổn định nhưng ông Bùi Văn Quyết cùng 2 con ở Bắc Ninh vẫn đăng ký tham gia học nghề. Đây không còn là câu chuyện hiếm bởi thực tế cho thấy, lao động có kỹ năng, tay nghề ngày càng được trọng dụng trong khi đó lao động phổ thông không có tay nghề thường rơi vào tình cảnh thất nghiệp khi bước vào tuổi trung niên.

Học nghề khi đã là thợ giỏi

Hình ảnh người đàn ông luống tuổi, tóc đã ngả bạc ngày ngày đến trường không còn lạ với sinh viên trường Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh. Thâm niên theo nghề xây dựng hơn 30 năm, hiện là cai thầu “có tiếng” tại Bắc Ninh thế nhưng ông Bùi Văn Quyết, 54 tuổi ở Xuân Ái, Hòa Long, TP.Bắc Ninh vẫn quyết định đăng ký học nghề hệ trung cấp nghề xây dựng. Điều thú vị là ông kéo theo cả con trai và con rể cùng đi học nghề.

Hai thế hệ gia đình ông Bùi Văn Quyết (ở giữa), con rể (bên trái) học cùng lớp, và con trai học cùng trường, cùng khóa.

Hai thế hệ gia đình ông Bùi Văn Quyết (ở giữa), con rể (bên trái) học cùng lớp, và con trai học cùng trường, cùng khóa.

Chia sẻ về quyết định đi học nghề ông Quyết giãi bày, khi tôi chia sẻ ý định đi học nghề, người thân trong gia đình nghĩ tôi đùa còn bạn bè, anh em trong giới xây dựng nghĩ tôi “ có vấn đề” vì dù không có bằng cấp nhưng với hơn 30 năm thâm niên trong nghề, tôi khá sành về bản vẽ, bóc tách khối lượng. Vì vậy được mọi người tin cậy, công trình làm không hết. Tuy nhiên có lần tôi thầu được hạng mục cho đối tác Trung Quốc tại KCN Quế Võ Bắc Ninh khi đối tác hỏi đến bằng cấp tôi thực sự rất suy nghĩ và cảm thấy tự ái. Nhìn lại con cái mình cũng không đứa nào đi học, đây chính là lý do khiến tôi quyết tâm đăng ký học nghề mặc cho cái nhìn ái ngại đôi khi cả chế giễu của mọi người.

Nói là làm, sau đó, ông Quyết đi tìm hiểu về các trường dạy nghề và ông quyết định lựa chọn học nghề Xây dựng tại Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh. Đăng ký nhập học, nộp học phí xong, ông về chia sẻ với 2 con và hai con (1 con trai, một con rể) cũng đồng ý đi học theo bố.

Kể về quyết định theo bố đi học nghề, Bùi Văn Long Khánh (20 tuổi) hóm hỉnh bảo, lúc đầu thấy bố nói sẽ đi học nghề em cũng nghĩ bố đùa nhưng sau thấy bố quyết tâm đi học và khuyên em cũng nên đi học thấy bố nói đúng nên em quyết định xin nghỉ làm tại Công ty Hồng Hải với mức thu nhập mỗi tháng từ 10 -12 triệu đồng đăng ký học trung cấp Điện lạnh- cơ khí.

“Mức thu nhập 12 triệu hiện nay cũng là mức giúp em ổn định cuộc sống song công việc không ổn định, không ít lần nơm nớp nỗi lo bị sa thải vì em không có bằng cấp. Trong bối cảnh hiện nay, công nhân, lao động không có bằng cấp thì bị sa thải, mất việc rất nhiều. Vậy nên thời buổi này không có bằng cấp là không được". Khánh kể.

Cũng giống như Khánh, Nguyễn Văn Điệp (sinh năm 1995) - con rể ông Quyết cũng ngày ngày lên lớp cùng bố, chiều chiều lại ra công trường xây dựng làm việcĐiệp kể: "Dù đi làm thợ xây dựng đã chục năm, kiến thức, kinh nghiệm cũng có không ít nhưng lúc đi học vẫn thấy nhiều kiến thức mới, đáng để học hỏi".Điệp cho biết, học xong trung cấp cậu dự định sẽ học lên cao đẳng để sau này có thể nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.Chia sẻ về câu chuyện học nghề của ba bố con ông Bùi Văn Quyết, ông Nguyễn Quốc Huy - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh cho rằng, việc chọn học nghề khi đã gần về hưu của ông Bùi Văn Quyết cho thấy, sự nhìn nhận về học nghề để nâng cao kỹ năng tay nghề của người lao động đã có sự thay đổi. Nó cũng là tín hiệu tích cực để Việt Nam nâng cao năng suất lao động.

Đào tạo theo đơn đặt hàng

z3938001845754_d02722665a04797926a64188d59c2b2d

Để thu hút được học sinh theo ông nghề, ông Huy cho rằng, một trong các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là phải đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, việc tăng cường hợp tác giữa các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

“Học sinh sẽ không hứng thú học nghề nếu học xong không có việc làm vì vậy việc liên kết với doanh nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo cũng như giúp sinh viên ra trường có việc làm ngay được nhà trường rất chú trọng. Mới đây, nhà trường tiếp tục đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác đào tạo nguồn nhân lực theo mô hình “1+1+1” với Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Goertek Vina. Theo đó, khi tham gia đào tạo theo mô hình “1+1+1”, sinh viên sẽ được đào tạo theo hình thức nhà trường kết hợp doanh nghiệp và học theo hình thức tích luỹ mô đun. Năm thứ nhất sinh viên sẽ học tại trường. Bước vào năm học thứ 2, sinh viên sẽ học tập Trung tâm đào tạo kỹ thuật công nghệ Goertek Việt Nam. Tại đây, bên cạnh kỹ năng nghề, kỹ năng làm chủ công nghệ, sinh viên còn được đào tạo ngoại ngữ, tác phong làm việc, kỹ năng quản lý, văn hóa doanh nghiệp... Trong năm học cuối, sinh viên sẽ học tập và làm việc tại đúng vị trí việc làm ở công ty. Sau khi tốt nghiệp, sẽ được tiếp nhận vào làm việc tại chính các vị trí đã được thực tập, trải nghiệm”, ông Huy cho biết.

Thực hành lý thuyết nghề xây dựng.

Thực hành lý thuyết nghề xây dựng.

 

Với việc đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh ngiệp, tỷ lệ sinh viên học xong có việc làm tại trường đạt tỷ lệ khá cao thậm chí nhiều em năm cuối chưa tốt nghiệp đã được DN đặt hàng và trả với mức lương khá cao từ 15-20 triệu đồng/tháng.

Việt Nam hiện nay là nước tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn thứ 3 trong khu vực tăng trưởng dòng vốn FDI ổn định qua nhiều năm. Các doanh nghiệp FDI luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao để ứng dụng công nghệ mới và năng suất lao động cao. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh và thu hút người học nghề chính là chìa khóa để tăng chất lượng nguồn nhân lực đồng thời là giải pháp hạn chế gánh nặng an sinh vì thất nghiệp và không tham gia chính sách bảo hiểm xã hội.