Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Gia Lai: Cái giá phải trả vì lừa chạy việc làm

(Dân sinh) - Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai vừa tuyên phạt sơ thẩm 14 năm tù đối với bị cáo Vương Thế Hùng (Sinh Năm 1982, trú tại tổ 7, phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Gia Lai: Cái giá phải trả vì lừa chạy việc làm - Ảnh 1.

Giấy thu hồi thẻ Đảng

Theo cáo trạng, Vương Thế Hùng vốn là đảng viên, công chức, từng công tác tại Thành ủy Pleiku nhưng đến năm 2011 thì bị kỷ luật buộc thôi việc. Do không có việc làm nhưng lại muốn có nhiều tiền để tiêu xài cá nhân nên Vương Thế Hùng đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bằng thủ đoạn tự giới thiệu mình là người có chức vụ quyền hạn, hiện đang công tác tại các cơ quan nhà nước, có nhiều mối quan hệ nên có khả năng xin việc làm vào các cơ quan nhà nước mà không cần qua thi tuyển và có khả năng xin các loại giấy phép hành chính, Vương Thế Hùng đã lừa 6 cá nhân ở tỉnh Gia Lai với tổng số tiền là 1,844 tỷ đồng.

Gia Lai: Cái giá phải trả vì lừa chạy việc làm - Ảnh 2.

Giấy vay tiền

Gia Lai: Cái giá phải trả vì lừa chạy việc làm - Ảnh 3.

giấy vay tiền

Cụ thể, vào năm 2014, qua sự giới thiệu của người quen rằng Vương Thế Hùng là cán bộ công tác tại Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, có thể xin giấy phép khai thác cát tại xã Hà Tây (huyện Chư Pah) nên ông Trần Văn Bình (Sinh Năm 1965, trú tại xã Ia Ka, huyện Chư Pah) nhiều lần đưa cho Vương Thế Hùng tổng cộng là 328 triệu đồng để nhờ xin giấy phép khai thác cát. Sau đó, thấy Vương Thế Hùng không thực hiện cam kết, ông Trần Văn Bình làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng. Cũng với thủ đoạn tương tự, Vương Thế Hùng tự giới thiệu mình là cán bộ Sở Nội vụ Gia Lai, có thể xin cho chị Hoàng Thị Lan Hương (Sinh Năm 1997, trú tại xã Trà Đa, thành phố Pleiku) vào biên chế làm việc tại sân bay Pleiku và sẽ được cử đi học. Trong năm 2015, Vương Thế Hùng đã nhiều lần nhận tổng cộng 288 triệu đồng từ gia đình chị Hương. Sau đó, Vương Thế Hùng còn mạo danh mình là cán bộ công tác tại Tỉnh ủy Gia Lai, đang được tăng cường làm lãnh đạo ủy ban nhân dân huyện Đức Cơ, có thể xin biên chế vào Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Pah, Cảng hàng không Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch… để lừa 6 cá nhân khác với tổng số tiền 1,228 tỷ đồng.

Gia Lai: Cái giá phải trả vì lừa chạy việc làm - Ảnh 4.

Vương Thế Hùng tại cơ quan điều tra

Điều đáng nói là, trong số các bị hại, có cá nhân ở thị xã An Khê đã đưa 130 triệu đồng cho Vương Thế Hùng để chạy vào biên chế Nhà nước. Sau một thời gian, khi Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai công bố danh sách không có tên mình, bị hại này đã tìm Vương Thế Hùng để đòi tiền lại. Lúc này, Vương Thế Hùng đã mang thẻ đảng viên ra thế chấp để làm tin cho việc từ từ trả lại số tiền. 

 Theo lý lịch bị can, sau khi tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia, vào năm 2004, Vương Thế Hùng được tuyển dụng vào làm việc tại Văn phòng Thành ủy Pleiku. Đến năm 2006, Vương Thế Hùng được tăng cường đến làm việc tại ủy ban nhân dân phường Hội Thương, năm 2011 thì bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc. Sau đó, Vương Thế Hùng đến làm việc tại Phòng Hành chính Bệnh viện Đại học Y dược-Hoàng Anh Gia Lai, đến năm 2013 thì nghỉ việc.