Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Gia Lai: Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 7,04%

Từ năm 2016 đến nay, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Gia Lai đã đạt nhiều kết quả khả quan. Nếu đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 19,71% (tương đương 64.087 hộ) đến cuối năm 2019 dự kiến, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,04%.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai - Trần Thị Hoài Thanh cho biết: Tính riêng năm 2019, Sở phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn 219,621 tỷ đồng để các địa phương có thêm nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo.

Gia Lai: Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 7,04% - Ảnh 1.

Nhiều mô hình kinh tế ở Gia Lai giúp người dân thoát nghèo.

Mặt khác, tích cực xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nghèo, xã nghèo để phát triển kinh tế. Đặc biệt, lồng ghép các nguồn vốn giữa Trung ương với địa phương, giữa ngân sách với huy động trong dân để thực hiện chương trình; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, coi đây là giải pháp then chốt để giảm nghèo nhanh và bền vững.

Cụ thể, với Chương trình 30a (dự án 1), giai đoạn 2016 - 2018 tỉnh có 4 huyện: Kbang, Kông Chro, Krông Pa và Ia Pa được thụ hưởng; đến giai đoạn 2019 - 2020, 3 huyện Kbang, Krông Pa và Ia Pa đã đủ điều kiện ra khỏi danh sách hỗ trợ. Cùng với đó, Chương trình 135 (dự án 2) cũng đã tập trung hỗ trợ các chương trình khuyến công - nông, định canh định cư, hỗ trợ đất sản xuất, đất ở cho các huyện nghèo, các làng, xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và các mô hình giảm nghèo, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài...

Bên cạnh đó, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã triển khai 15 chương trình tín dụng hỗ trợ 178.512 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất, doanh số cho vay đạt 5.160 tỷ đồng. Chính sách bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ nhà ở, giáo dục đối với học sinh - sinh viên, hỗ trợ làm nhà tiêu đạt chuẩn, nước sạch - vệ sinh môi trường, hỗ trợ mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên… đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng giúp hộ nghèo, cận nghèo phương thức làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, các ban ngành, đoàn thể đã tập trung thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững. Hội Phụ nữ các cấp thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức cho hội viên, phụ nữ; phối hợp với phòng kinh tế, trung tâm dịch vụ nông nghiệp mở các lớp bồi dưỡng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức các nhóm trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tăng cường vận động hội viên, nông dân tích cực sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi mùa vụ. Ủy ban Mặt trận tổ quốc các cấp tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí, vật chất hỗ trợ hộ nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xây dựng nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh, giếng nước sạch…

Trên cơ sở huy động tổng nguồn lực hỗ trợ các huyện, xã nghèo, làng đặc biệt khó khăn để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ hộ nghèo đã được kéo giảm qua từng năm. Nếu đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 19,71% (tương đương 64.087 hộ) thì đến đầu năm 2019 tỷ lệ này giảm còn 10,04% (tương đương 34.873 hộ); trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số là 30.441 hộ, chiếm tỷ lệ 87,29%. Toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2019 kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7,04%.

Theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Trần Thị Hoài Thanh, thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo tổ chức thực hiện, phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo hiện hành đối với người nghèo nói chung và hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Tập trung hỗ trợ cho hộ nghèo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, thông tin, vay vốn tín dụng ưu đãi... Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan bố trí nguồn lực hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, trong đó tập trung hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo...