Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Gia Lai: Kỷ luật trạm trưởng tiếp tay làm ngơ cho lâm tặc

(Dân sinh) - Sau thời gian điều tra, đến nay ngành chức năng của tỉnh Gia Lai đã ra kết luận trạm trưởng trạm quản lý bảo vệ rừng Nam Sông Ba có lấy tiền để cho lâm tặc qua trạm.

Kết luận của ngành chức năng có đoạn "loạt bài của các cơ quan báo đã vạch trần hành vi "tiếp tay" và nhận tiền lâm tặc của các nhân viên bảo vệ rừng Nam Sông Ba. Nếu hành vi này không được báo chí phát hiện, sẽ còn rất nhiều khối gỗ bị chui lọt qua trạm…

Để có loạt bài này, nhóm phóng viên của các báo đã chia nhau thành nhiều tốp, mai phục ở nhiều nơi và địa điểm khác nhau. Trước đó, nhóm phóng viên nhận được tin người dân rừng cách trạm Quản lý bảo vệ rừng Dreh - thuộc BQL Nam Sông Ba khoảng 7km thuộc địa phận xã Ia Rmok huyện Krông Pa hàng ngày vẫn có nhiều chiếc xe độ chế chở gỗ công khai đi qua trạm.

Gia Lai: Kỷ luật trạm trưởng tiếp tay làm ngơ cho lâm tặc - Ảnh 1.

Gỗ bị khai thác trái phép trong rừng phòng hộ Nam Sông Ba

Ghi nhận tại địa điểm mai phục gỗ sau khi khai thác được xẻ hộp ngay tại rừng và dùng xe máy độ chế chở ra tập kết gần Trạm QLBVR Dreh. Lúc này, một đối tượng tiến hành đếm đầu xe máy đang chở gỗ rồi cầm tiền đưa trực tiếp vào cho một nhân viên đang trực ở trạm này. Sau khi làm luật xong, từng đoàn lâm tặc đã ngang nhiên nối đuôi nhau vận chuyển gỗ chạy qua trạm hướng về buôn Ơ kia (xã Ia Rmok, Krông Pa) để tiêu thụ mà không vấp phải sự ngăn cản nào.

Việc làm ngang nhiên và trái pháp luật giữa các đối tượng lâm tặc và người của trạm quản lý bảo vệ rừng diễn ra hàng ngày và đều đặn từ 15 giờ đến 17 giờ. Sau nhiều tuần "mật phục" trước trạm, nhóm phóng viên điều tra đã có đầy đủ bằng chứng cho việc "tiếp tay" của nhân viên trong trạm khi làm ngơ để cho lâm tặc chở gỗ qua.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thái Quang Tâm - Phó Đội điều tra, Công an huyện Krông Pa cho biết: "Ngay sau khi báo chí phản ánh về việc phá rừng và sự tiếp tay của nhân viên bảo vệ rừng thì lãnh đạo UBND huyện, Công an đã trực tiếp chỉ đạo xác minh, điều tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm để răn đe".

Gia Lai: Kỷ luật trạm trưởng tiếp tay làm ngơ cho lâm tặc - Ảnh 2.

Gỗ được lâm tặc đưa về điểm tập kết trước khi qua trạm

Sau khi tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng mà báo chí phản ánh, Công an huyện Krông Pa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản" tại tiểu khu 1410 và 1417 thuộc UBND xã Ia Rmok (huyện Krông Pa, Gia Lai).

Dựa vào các hình ảnh, video mà các phóng viên cung cấp và đăng tải và công tác nghiệp vụ, tổ điều tra đã phát hiện có 3 nhóm tham gia vào vụ phá rừng: Nhóm 1 gồm: Đỗ Ngọc Thái, Vũ Văn Quyết; nhóm 2 gồm: Ksor Tim, Nay VI, Ksor D'Hang, Ksor Thin..và nhóm 3 gồm: Rcom Mít à Siu Loan với số khối lượng vi phạm là 11m3. Nếu tính tổng số lượng thì đủ khởi tố các đối tượng. Nhưng vì các đối tượng hoạt động riêng lẻ nên chia ra thì chỉ đủ xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật…

Đối với hành vi "tiếp tay" của nhân viên QLBVR Dreh thì cơ quan điều tra xác định chỉ có ông Nay Rên vi phạm. Được biết ông Nay Rên là trạm trưởng trạm quản lý bảo vệ rừng Dreh thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba. Dựa vào lời khai các đối tượng khai thác gỗ trái phép và của bản thân ông Nay Rên. Cơ quan điều tra Công an huyện Krông Pa xác định, mỗi xe chở gỗ khi qua trạm đã vào đưa cho ông Nay Rên 50.000 đồng/xe. Tổng cộng số tiền ông Nay Rên nhận của các đối tượng "lâm tặc" là 600.000 đồng. Vì chưa đủ yếu tố để khởi tố hình sự nên cơ quan công an đã kiến nghị Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba có hình thức kỷ luật nghiêm.

Theo lãnh đạo Ban quản lý bảo vệ rừng Nam Sông Ba cho biết "Ban đã ra quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nay Rên (Trạm trưởng) với hành vi "Làm ngơ không báo cáo và nhận tiền của lâm tặc". Đồng thời, điều chuyển ông Nay Rên đi nơi khác. Đối với hai nhân viên còn lại của trạm quàn lý bảo vệ rừng Dreh thì Ksor Thức đã xin thôi việc, ông Nay Hương đã bị kiểm điểm, nhắc nhở. Trong thời gian tới chúng tôi cũng nghiêm túc yêu cầu nhân viên thực thi nhiệm vụ đúng pháp luật không làm ngơ trước hành vi phá rừng của tất cả người dân."

Bên cạnh đó, cơ quan công an cũng đã có báo cáo gửi UBND huyện Krông Pa để kiến nghị xử lý kỷ luật ông Ksor Run - Chủ tịch UBND xã Ia Rmok, huyện Krông Pa về việc buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn mình quản lý.

Đây là bài học đắt cho lực lượng quản lý bảo vệ rừng Nam Sông Ba nói riêng và lực lượng quản lý bảo vệ rừng tỉnh Gia Lai nói chung. Hiện Cơ quan điều tra đã có kết luận và tiến hành đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật và đã được Viện kiểm sát phê duyệt.