Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Gia tăng nguy cơ trầm cảm ở mọi lứa tuổi học đường

Sinh viên đang đối diện với rất nhiều áp lực nên dễ mắc chứng trầm cảm, có thể là trục trặc trong gia đình, tình yêu, học tập và những mối quan hệ khác. Những điều này trong giai đoạn phải học trực tuyến càng khó khăn hơn vì các em bị mất kết nối, cả ngày ngồi trong phòng đối diện với máy tính, cộng thêm những lo lắng về dịch bệnh Covid-19, điểm kém.

 
Sinh viên trở lại trường học tập trực tiếp sau thời gian dài học online vì dịch Covid-19.

Sinh viên trở lại trường học tập trực tiếp sau thời gian dài học online vì dịch Covid-19.

Không ít sinh viên có ý định tự tử

Mới đây, hai vụ việc đau lòng đã xảy ra khi học sinh (HS), sinh viên (SV) trở lại trường học trực tiếp. Nam sinh Nguyễn Văn Nghĩa (ngụ Bình Định) đến TP. Hồ Chí Minh nhập học hôm 12/2, mất tích sau đó tử vong và được kết luận do tự tử. Còn một nữ sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TP. Hồ Chí minh) nhảy từ lầu 3 tự tử vào ngày 21/2, khiến nhiều người thắc mắc áp lực nào dẫn đến người trẻ muốn tự kết thúc sinh mạng.

Theo ông Trần Nam, Trưởng Phòng Truyền thông Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn-ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, do không thể hỗ trợ trực tiếp, nhà trường đã mở các đường dây tư vấn trực tuyến cho SV, không những SV của trường mà ở khắp thành phố. Trong quá trình hỗ trợ tư vấn cho SV, vấn đề các em gặp nhiều nhất là stress, trầm cảm, không ít trường hợp còn có ý định tự tử. "Đối với các trường hợp này, nhà trường sẽ chuyển sang tư vấn chuyên sâu kết hợp trị liệu, vì không đơn thuần là stress bình thường", ông Nam nói.

Ông Nam cũng cho rằng SV đang đối diện với rất nhiều áp lực, dễ bị stress. Những điều này trong giai đoạn phải học trực tuyến càng khó khăn hơn, vì các em bị mất kết nối, cả ngày ngồi trong phòng đối diện với máy tính, cộng thêm những lo lắng về dịch bệnh, điểm kém…

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, ở năm học trước, một HS xin chuyển về trường vì gặp áp lực lớn trong học tập ở một trường khác, đến nỗi em cả ngày thất thần, nghe tiếng thầy cô là sợ. "Có một thực tế, hiện nay nhiều HS mỗi ngày đến trường nhưng không vui. Đó là vì các em gặp áp lực từ nhà trường, giáo viên (GV), áp lực học hành và cả cách hành xử của bạn bè với nhau. Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, HS phải học online càng làm cho trẻ trở nên dễ stress, trầm cảm", ông Phú nói.

 

 Cần quan tâm đến cảm xúc của con trẻ nhiều hơn

TS tâm lý Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, chuyên viên tham vấn tâm lý tại Nhà Văn hóa phụ nữ TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay có thực trạng là rất ít người quan tâm đến vấn đề sức khỏe tâm thần. "Nhà trường và phụ huynh thậm chí chỉ quan tâm kết quả học tập, nhắc nhở con mình về điểm số, không quan tâm vấn đề tâm lý, điều này làm gia tăng nguy cơ trầm cảm ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là người trẻ. Bệnh trầm cảm đã ở mức báo động đỏ", bà Thúy nhấn mạnh.

Để giảm thiểu các nguy cơ gia tăng bệnh trầm cảm, chuyên gia tâm lý này cho rằng, cần gia tăng tình yêu thương của con người với con người và sự quan tâm lẫn nhau trong xã hội. Nên đặt yêu thương lên hàng đầu trong mọi mối quan hệ. Gia đình, nhà trường cần dạy trẻ yêu thương chính bản thân mình, dạy trẻ trân trọng, chăm sóc bản thân thì mới có khả năng đề phòng và xử trí trước các biến cố.

“Gia đình, thầy cô cần quan tâm đến các em nhiều hơn. Một ngày có thể không biết, nhưng vài ba ngày các em có biểu hiện khác thường thì chỉ cần quan sát là nhận ra ngay. Lứa tuổi còn nhỏ, các em dễ bị stress, đôi khi chỉ là yêu đương không thành, với người trưởng thành là chuyện nhỏ nhưng với trẻ là chuyện lớn”, TS Thúy khuyên.

Thạc sĩ tâm lý Thái Đình Lãm, chuyên giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho HS - sinh viên lưu ý: “Các em hãy mạnh dạn chia sẻ, tâm sự với những người mà mình tin tưởng, đừng chịu đựng một mình; đến các trung tâm tư vấn tâm lý uy tín nếu cảm thấy tinh thần, cảm xúc khó kiểm soát và ngày càng bất ổn; tập cách suy nghĩ và xây dựng cảm xúc tích cực hằng ngày; rèn luyện tính kiên nhẫn qua các trò chơi, công việc mà các em yêu thích; khi cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi hãy nghỉ ngơi, thư giãn; hãy học cách đối diện với khó khăn thay vì trốn chạy.

Sinh viên đang đối diện với rất nhiều áp lực nên dễ bị stress.

Sinh viên đang đối diện với rất nhiều áp lực nên dễ bị stress.

Về phía gia đình, Thạc sĩ Lãm cho rằng cần cha mẹ quan tâm đến cảm xúc của con trẻ nhiều hơn; chú trọng đến những món ăn tinh thần như gặp nhau, trò chuyện thường xuyên, tạo cơ hội quan tâm các thành viên trong gia đình; hãy coi con như một người bạn; đừng đặt kỳ vọng quá lớn lên các bạn trẻ, vô tình nó sẽ trở thành áp lực đè nén suy nghĩ, cảm xúc của các bạn.

“Còn phía nhà trường cũng cần chú trọng hơn trong công tác quản lý cảm xúc của HS, áp dụng những hình thức giáo dục tích cực nhiều hơn; xây dựng phòng tư vấn tâm lý học đường thân thiện và sẵn sàng trợ giúp tâm lý các bạn trẻ; lồng ghép các giờ học về giáo dục cảm xúc xã hội, giờ học kỹ năng, các hoạt động ngoài giờ để các bạn trẻ có nhiều trải nghiệm thực tế hơn”, Thạc sĩ Lãm chia sẻ.

Theo TS Vũ Trọng Nghĩa, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, việc chọn ngành học, trường học không như mong muốn cũng khiến SV buồn chán, không tìm được niềm vui trong học tập, thậm chí là bỏ học. Ngoài ra, những mâu thuẫn trong các mối quan hệ, tình cảm cũng dẫn đến cảm xúc tiêu cực. Chưa ổn định về tài chính, cũng chưa có đủ kinh nghiệm sống, gia đình lại không ở bên cạnh nên SV phải đối mặt với stress mà không có người để chia sẻ khi phát sinh mâu thuẫn.

Việc có nhiều mối quan hệ sẽ hỗ trợ các SV rất nhiều trong học tập cũng như cuộc sống. Còn nếu khi không thể kiểm soát stress, các em hãy đến các phòng tư vấn tâm lý. Nhiều trường đại học hiện nay đã có các phòng tư vấn tâm lý để hỗ trợ SV vượt qua khó khăn trước khi phải đến các bệnh viện hay phòng khám.