Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn từ du lịch

(Dân sinh) - Là địa phương có thế mạnh du lịch, trong những năm trở lại đây huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) đã tận dụng tốt lợi thế đó để giải quyết việc làm cho người lao động .

Huyện Tam Đảo có dân số là 71.528 người, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm trên 41,9%. Do vậy, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm được Huyện đặc biệt quan tâm, coi đây là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Theo số liệu của Phòng LĐ-TB&XH Tam Đảo, trong 9 tháng đầu năm 2019, toàn Huyện đã giải quyết việc làm mới cho 2243 lao động, trong đó có 2177 lao động làm việc trong nước và 66 lao động đi làm việc tại nước ngoài. Huyện cũng triển khai các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân, các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay để duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh và khuyến khích đa dạng hóa các ngành nghề nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động nông thôn.

Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn từ du lịch - Ảnh 1.

Du khách chảy hội Tây Thiên

Ông Chu Văn Sáu, Trưởng Phòng LĐ–TB & XH huyện Tam Đảo cho biết: "Cùng công tác xuất khẩu lao động, giới thiệu việc làm cho lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Những năm trở lại đây du lịch được xem là một ngành kinh tế mũi nhọn, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Mỗi năm huyện Tam Đảo đón hàng triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, đây cũng là cơ hội để các đơn vị kinh doanh thương mại - dịch vụ trên địa bàn phát triển, từ đó nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị này là rất cao. Ngoài lao động đã qua đào tạo chuyên môn, nhiều doanh nghiệp còn tuyển lao động chưa qua đào tạo về tự đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho họ để đáp ứng yêu cầu công việc".

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tận dụng tối đa nguồn nhân lực tại chỗ, Phòng LĐ – TB & XH huyện đẩy mạnh vai trò cầu nối hợp tác giữa cơ sở đào tạo chuyên môn với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa đào tạo nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo; thường xuyên mở lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực làm việc cho lao động địa phương; tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã, thị trấn tập trung đông dân cư ở độ tuổi lao động như xã Đại Đình, Hợp Châu…Nhằm kết nối thông tin cung - cầu giữa người lao động với doanh nghiệp sử dụng lao động.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn của huyện Tam Đảo trong thời gian qua còn gặp phải không ít khó khăn. Các doanh nghiệp trên địa bàn luôn phản ánh về tình trạng thiếu lao động, do người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp về trình độ ngoại ngữ, tay nghề. Điều này gây ảnh hưởng đến công tác giải quyết việc làm và giảm nghèo của địa phương. Trong khi đó, công tác dạy nghề, giải quyết các chế độ chính sách cho người lao động nông thôn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; việc triển khai công tác này còn chậm, thiếu đồng bộ.

Nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn trên, huyện Tam Đảo đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ việc làm; Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp – Việc làm và An toàn lao động. Công tác giải quyết việc làm phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Phòng LĐ – TB & XH tích cực tham mưu cho UBND huyện trong việc đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông - lâm nghiệp sang thương mại - dịch vụ;

Đẩy mạnh phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề, dịch vụ mới phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tạo vốn, việc làm cho người lao động; đẩy mạnh xuất khẩu lao động và tạo mọi điều kiện pháp lý giúp người lao động tự kiếm việc làm; thực hiện tốt chính sách đối với lao động học nghề, xuất khẩu lao động. Đồng thời coi trọng thu hút các dự án đầu tư, hỗ trợ của các tổ chức doanh nghiệp để tăng cơ hội tìm kiếm việc làm;

Tạo điều kiện cho vay giải quyết việc làm đối với các dự án phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn; rút ngắn thời gian thẩm định kinh phí hỗ trợ lãi suất cho các đơn vị kinh doanh được hưởng hỗ trợ khi vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm của huyện, hỗ trợ lãi suất cho các đối tượng đủ điều kiện vay kịp thời, đúng quy định.

Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, với các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Tích cực quảng bá thu hút đầu tư, gia tăng số lượng các đơn vị kinh doanh vào các lĩnh vực công nghiệp - thương mại và dịch vụ trên địa bàn, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động; thường xuyên cập nhật thông tin về các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động để người lao động dễ nắm bắt và lựa chọn công việc phù hợp với khả năng của mình.