Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Giao lưu trực tuyến “Những chính sách mới liên quan đến công chức, viên chức, người lao động”

Ngày 28/10, tại Hội trường UBND Thị xã Sơn Tây, Hà Nội đã diễn ra buổi giao lưu trực tuyến “Những chính sách mới liên quan đến công chức, viên chức, người lao động” do báo Lao động Thủ đô tổ chức.

Tại buổi giao lưu, Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Tạ Văn Dưỡng cho biết, điểm mới nhất của Bộ luật Lao động năm 2019 là người lao động sẽ tăng tuổi nghỉ hưu. Đến năm 2035, lao động nữ sẽ nghỉ hưu ở tuổi 60 và năm 2028 lao động nam sẽ nghỉ hưu ở tuổi 62. Những đối tượng lao động làm công việc thuộc lĩnh vực nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được về hưu sớm, không quá 55 tuổi.

Điểm mới thứ hai rất quan trọng là từ năm 2021, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do, mà chỉ báo trước. Một điểm mới nữa, nếu bố mẹ nuôi mất, người lao động được nghỉ 3 ngày có hưởng lương.

Quy định mới về hai khoản tiền tính mức hưởng lương hưu - Ảnh 1.

Người lao động không phải là những cỗ máy

Trong khi đó, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội Dương Thị Minh Châu thông tin: Điều kiện hưởng lương hưu được quy định bằng tuổi đời và thời gian đóng BHXH. Thời gian đóng BHXH phải đủ 20 năm tham gia liên tục, đối với những người đóng ngắt quãng phải cộng dồn thời gian đóng các giai đoạn. Nhà nước sẽ không can thiệp vào chi trả tiền lương của DN mà sẽ do DN và công đoàn thương lượng, niêm yết sau 15 ngày đưa vào áp dụng. DN sẽ không phải đăng ký thang bảng lương.

Về tuổi nghỉ hưu, nam phải đủ 60 tuổi, nữ đủ 55. Những trường hợp làm công việc nặng nhọc, độc hại thì tuổi không quá 55. Những người không đủ tuổi nghề nhưng thời gian đóng BHXH đã đủ 20 năm phải kèm theo điều kiện suy giảm khả năng lao động.

Về cách tính lương hưu, chuyên gia Dương Thị Minh Châu cho biết: Theo quy định sẽ chia ra hai khoản tiền tính lương hưu. Khoản A là thời gian làm việc do nhà nước quy định sẽ tính lương bình quân 5 - 6 năm cuối. Hệ số lương sẽ được tính bằng hệ số lương nhân với lương cơ sở tại thời điểm nghỉ hưu. Khoản B là lương do chủ sở hữu lao động tính, sẽ tính bình quân trong suốt quá trình công tác của người lao động. Lương được tính bằng theo chỉ số trượt giá. Tùy theo hằng năm, chỉ số giá tiêu dùng ra sao sẽ do Nhà nước quy định chỉ số đó. Hằng năm, Nhà nước đều có thông tư hướng dẫn chỉ số trượt giá.

Căn cứu vào chỉ số, chủ sở hữu sẽ tính mức lương tham gia của người lao động, sau đó sẽ cộng với lương do Nhà nước quy định. Tiền lương hưu sẽ tính bình quân của khoản tiền A và khoản tiền B để ra mức hưởng lương hưu.