Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Giáo viên quay cuồng dạy học “on - off”

Sau vài tuần học sinh ở Hà Nội trở lại trường học trực tiếp, số lượng giáo viên, học sinh bị F0, F1 ngày càng tăng, việc cùng lúc phải dạy học “on - off” (trực tiếp và trực tuyến) khiến giáo viên khá vất vả. Cùng với đó, nhiều giáo viên trở thành F0, phải dạy online tại nhà, trong khi học sinh vẫn học trực tiếp ở trường khiến việc dạy và học gặp không ít trở ngại.

Tiết học online đặc biệt khi học sinh đến trường trong thời gian dịch bệnh Covid-19 phức tạp.

Tiết học online đặc biệt khi học sinh đến trường trong thời gian dịch bệnh Covid-19 phức tạp.

Những lớp học bất đắc dĩ

Xét nghiệm có kết quả dương tính với Covid-19 sau khi kết thúc các tiết học buổi sáng 17/2, cô Bích Thủy, giáo viên một trường THPT quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi không quá lo lắng khi bản thân là F0 nhưng buồn vì vô tình liên lụy đến học sinh và các thầy cô trong trường”.

Tuy bị bệnh nhưng cô Thủy cảm thấy sức khỏe vẫn đủ điều kiện và đảm bảo để dạy học vì hầu như không xuất hiện các triệu chứng. Do vậy, các tiết dạy học của cô vẫn diễn ra theo đúng thời khóa biểu của nhà trường. Chỉ có điều, các tiết dạy của cô bất đắc dĩ chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến tại nhà, còn học sinh thì vẫn đến trường học bình thường.

Hình thức dạy học trực tuyến không quá lạ lẫm vì cả cô và trò từng trải qua gần học kỳ. Nhưng việc dạy trực tuyến của cô gặp khó khăn về kết nối và đường truyền. Một tiết học diễn ra với ba điểm cầu. Điểm cầu thứ nhất là tại nhà cô giáo. Cô thuần thục các kỹ năng dễ dàng kết nối thiết bị, phần mềm Zoom. Điểm cầu thứ hai ở trường phải nhờ đến sự hỗ trợ từ giáo viên, cán bộ tin học khác vì các em chưa thể tự sắp xếp, mở máy tính, máy chiếu ở lớp. Điểm cầu thứ ba là những học sinh F1 đang tự cách ly ở nhà. Vì vậy, mỗi tiết học đều phải mất 10 - 15 phút đầu giờ để kết nối.

 

"Nhiều khi hệ thống loa phát trong phòng học quá bé, cô phải cố gắng nói to như hét vào micro và lớp phải thật im lặng mới có thể nghe được bài giảng", cô Thủy nói và hy vọng sẽ sớm khỏe lại để có thể đến trường dạy học trực tiếp, đảm bảo chất lượng, tiến độ học tập của học sinh.

 “Đây chỉ là giải pháp tình thế trong hoàn cảnh dịch bệnh, số học sinh và giáo viên F0, F1 vẫn tiếp tục tăng. Việc bao quát học sinh qua màn hình khó đảm bảo. Điều tôi lo lắng nhất là thời gian học kỳ 2 không còn nhiều, trong khi học sinh lớp 12 đang ở giai đoạn chạy nước rút cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học 2022. Vì vậy, tôi cố gắng bù đắp kiến thức nhiều nhất có thể cho các em. Tôi hy vọng dịch bệnh sớm đẩy lùi để cô trò trở lại nhịp học bình thường”, cô Huyền Thanh, giáo viên THPT Hoàng Cầu (Hà Nội) cũng không may là F0 từ ngày 15/2 và hiện giảng dạy trực tuyến tại nhà cho học sinh ở trường.

Sau gần 3 tuần đi dạy trực tiếp, hiện lớp thầy Tuấn Thành (giáo viên một trường THCS tại quận Ba Đình, Hà Nội) có hơn 15 học sinh F0. Do số lượng học sinh F0 và F1 phải cách tự cách ly ở nhà nên mỗi buổi dạy học của thầy rất vất vả. Cùng ngày, thầy phải "vật lộn" với 2 hình thức dạy sao cho các em học trực tiếp hay trực tuyến vẫn tiếp thu đầy đủ kiến thức.

Dù có kinh nghiệm dạy online đã gần 2 năm nhưng việc dạy song song "on-off" vẫn khiến thầy Thành phải gặp nhiều khó khăn. "Lịch dạy vào thứ tư của tôi là căng thẳng nhất. Tiết 1 tôi phải dạy trực tuyến ở một lớp. Tiết 3 thì lại chạy về lớp mình chủ nhiệm để dạy trực tiếp cho các em tại trường và chuẩn bị bài giảng trên slide cho các em đang phải học tập tại nhà. Một ngày cứ quay cuồng giữa trực tuyến - trực tiếp khiến tôi phải căng não vừa dạy vừa ghi nhớ lịch, tránh bỏ sót học sinh", thầy Thành chia sẻ.

Dẫu khó khăn nhưng cô - trò cùng cố gắng

Dù quá quen với các tiết học online từ năm ngoái nhưng khi nhà trường triển khai dạy học song song hai hình thức “on-off”, ngày nào cô Lan Anh (giáo viên dạy văn tại huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng mất 15 phút đầu giờ để cài đặt thiết bị, kết nối đường truyền mạng mới có thể ổn định, bắt đầu bài giảng với học sinh thuộc diện F0, F1 học qua Zoom và bài vở dạy trực tiếp.

Lớp học giáo viên dạy trực tiếp tại lớp kết hợp dạy online cho học sinh tại nhà.

Lớp học giáo viên dạy trực tiếp tại lớp kết hợp dạy online cho học sinh tại nhà.

Nhằm phục vụ cho hai hình thức học cùng một lúc, nhà trường đã trang bị thêm camera ghi hình tiết dạy và chia sẻ trực tiếp đến học sinh thuộc diện F0, F1 học qua Zoom, giúp các em theo dõi bài giảng. Cô Lan Anh thừa nhận, cách dạy này vẫn có nhiều bất cập như chữ trên bảng không rõ, lẫn nhiều tạp âm, sự tương tác giữa cô và trò kém. Tuy nhiên, đây là phương án phù hợp và thuận tiện nhất trong thời điểm dịch bệnh phức tạp.

"Dẫu khó khăn nhưng cô và trò cùng cố gắng. Trong tiết học, tôi luôn cố gắng tương tác với học sinh học trực tuyến. Sau buổi học, các em có thể trao đổi, thảo luận những vấn đề còn thắc mắc, quan tâm để giáo viên giải đáp. Nhà trường cũng xây dựng kế hoạch bồi dưỡng miễn phí cho học sinh nếu có nhu cầu", cô Lan Anh chia sẻ.

Theo cô Huyền Thanh, để tránh thiệt thòi cho học sinh khi không có người hướng dẫn trực tiếp tại lớp, cô quay video bài giảng, giải thích cặn kẽ từng mảng kiến thức rồi đăng lên nhóm lớp để các em tiện theo dõi lại sau các giờ học. Cô tập trung dạy những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, còn lại sẽ giao bài tập về nhà.

Mỗi buổi lên trường, thầy Tuấn Thành phải dạy nhiều lớp. Mỗi tiết học 45 phút, việc chuẩn bị và kết nối các thiết bị chiếm khoảng 15 đến 20 phút đầu giờ. Dạy xong lớp này lại lỉnh kỉnh mang máy móc để sang lớp khác dạy tiếp. Trong quá trình dạy, thầy luôn phải phân tâm cho 2 nhóm đối tượng, thỉnh thoảng lại phải nhìn vào màn hình máy tính hỏi các em học online nắm được bài không.

Ngoài ra, cơ sở vật chất của trường vẫn chưa thể đảm bảo việc dạy học “on – off” linh hoạt. Có lúc wifi nhà trường chập chờn khiến các em "in - out" (vào – ra) liên tục, bỏ lỡ bài giảng; camera ghi hình chất lượng kém làm hình ảnh bài giảng không được rõ nét, micro thu tiếng chứa nhiều tạp âm làm các em không tập trung vào bài học.

 

“Lớp tôi có 45 học sinh thì có đến 14 em bị F0, F1. Việc dạy học “on-off” tại thời điểm mà số học sinh bị F0, F1 gia tăng theo cấp số nhân khiến giáo viên khá vất vả. Không như trước, các bài giảng chỉ được thiết kế phù hợp với một trong hai hình thức học trực tiếp hoặc trực tuyến, giờ đây khi kết hợp “on - off” thì những học sinh không đến trường ít nhiều sẽ bị hạn chế trong việc tiếp thu bài giảng theo giáo án dạy trực tiếp của giáo viên. Giáo viên cũng không thể “chia đôi” người để dạy riêng cho những em này theo cách thiết kế của bài giảng trực tuyến. Riêng việc soạn giáo án cũng mất rất nhiều thời gian vì phải soạn 100% bằng chương trình powerpoint để trình chiếu cho học sinh dễ nhìn, dễ học và hiểu bài. Đó là chưa kể khi cùng lúc dạy “on – off”, giáo viên phải xoay đủ kiểu, lúc viết trên bảng, khi lại viết trên máy tính, không thể quan tâm được hết các học sinh đang học online. Trong khi đó, nhiều em lại không có ý thức tự giác học tập, thường xuyên đứng lên đi lại; thậm chí là không học, như vậy dù cố gắng đến mấy thì giáo viên cũng đành bất lực”, một giáo viên dạy cấp 3 tại quận Nam Từ Liêm chia sẻ.

Không thể áp dụng chung một công thức cho tất cả các tình huống

Chia sẻ về việc dạy học “on - off” của giáo viên, PGS, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng trước thực tế nhiều học sinh bị F0, F1 phải học online, càng cần sự động viên của giáo viên để học trò sớm quay trở lại trường trong thời gian sớm nhất.

Học sinh Tiểu học học online trong thời gian dừng đến trường vì dịch Covid-19.

Học sinh Tiểu học học online trong thời gian dừng đến trường vì dịch Covid-19.

“Nhà trường nên có các chính sách đưa ra dựa trên sự thấu cảm với đội ngũ giáo viên để phân công các công việc phù hợp, làm sao để các thầy, cô muốn truyền cảm hứng dạy tốt cho học sinh. Đồng thời, phải có một văn bản thống nhất xem tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp như thế nào, căn cứ vào đó để cho cả lớp học online, tránh tình trạng lớp có 1, 2 học sinh nhưng thầy, cô vẫn phải dạy trực tiếp. Bên cạnh đó, cần phải giao quyền tự chủ nhiều hơn các trường để khi gặp những tình huống cụ thể, nhà trường sẽ có những cách thức mềm dẻo và linh hoạt vì toàn xã hội đang thích ứng linh hoạt. Không thể có một công thức chung nào cho tất cả các tình huống”, PGS, TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, giáo viên dạy học thời điểm này cực kỳ áp lực và vất vả. Nhà trường không ngại về giải pháp công nghệ khi phải dạy hỗn hợp nhiều hình thức nhưng nỗi lo lắng nhất lúc này là học sinh và giáo viên bị F0 tăng theo các ngày, cũng dẫn đến việc không có giáo viên dạy thay thế.

Với những giáo viên F0, nhà trường sẽ giảm số tiết dạy để họ có thời gian được nghỉ ngơi, điều trị. Tuy nhiên, các giáo viên khác sẽ bị tăng số tiết dạy học. Việc này được sắp xếp trên tinh thần tự nguyện giúp đỡ giữa các giáo viên. "Trường cố gắng không để việc học của học sinh bị gián đoạn khi các giáo viên không may mắc Covid-19", ông nói và hy vọng phụ huynh, học sinh đồng lòng và sớm có phương án tốt hơn, chấp nhận sống chung với dịch bệnh trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi có nên trở về học trực tuyến hoàn toàn như đợt trước, Hiệu trưởng một trường THCS tại Hà Nội cho rằng nên linh hoạt, tùy vào điều kiện, tình hình cụ thể của từng trường. Có thể không quay lại học trực tuyến 100% nhưng thành phố cần có quy định cụ thể để mỗi nhà trường có cách xử trí phù hợp với hoàn cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp như hiện nay.

Giáo viên không nên quá cầu toàn

Theo PGS, TS Trần Thành Nam, nếu nơi nào không đủ điều kiện cơ sở vật chất để dạy song song, giáo viên không nên quá cầu toàn khi muốn 100% học sinh phải tiếp cận được bài giảng mà hãy làm tốt nhất có thể trong bối cảnh hiện tại. Bởi khi dạy học trực tiếp, giáo viên phải dồn tâm sức để điều khiển vào lớp học trực tiếp là chính. Còn đối với các em học online, giáo viên hỗ trợ các em bằng những nguồn học liệu số, các chương trình đã phát trên truyền hình.

Hơn nữa, trách nhiệm của giáo viên sẽ phải dựa trên cơ sở hợp tác của phụ huynh. Nếu cha mẹ không đồng hành để đôn đốc, nhắc nhở các con có ý thức học tập thì giáo viên cũng chỉ làm tốt được phần việc của mình, tức là tạo cơ hội tốt nhất để các con tự học. Cùng với đó, phụ huynh phải có ý thức trang bị kỹ năng tự học cho con, việc học ở đây là tự quản lý thời gian, tự làm chủ bản thân, tự tìm kiếm các thông tin trên mạng. Hơn nữa về lâu dài, vai trò của giáo viên không phải là cảnh sát hay giám thị để gò ép các con vào việc học. Học tập là nhu cầu, quyền lợi của chính các con, thầy cô chỉ tạo điều kiện, khơi gợi, cởi mở.