Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ cho người dân “vượt bão” Covid-19

(Dân sinh) - Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã quyết định tăng “liều thuốc giảm đau” cho nền kinh tế với hàng loạt gói hỗ trợ. Trong đó, đáng chú ý là gói cho người lao động mất việc, người nghèo, người yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội với tinh thần chuẩn bị đón bắt thời cơ, biến “nguy” thành “cơ” để phát triển kinh tế khi dịch Covid-19 qua đi.

Liều thuốc "giảm đau" kịp thời cho nền kinh tế

Để hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ thống nhất cao dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Trong dự thảo nghị quyết có một số đề xuất mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu ra để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn.

Quy mô dự kiến của gói hỗ trợ này là khoảng 61.580 tỷ đồng với gần 20 triệu đối tượng chính sách và người lao động được thụ hưởng.

Đánh giá chính sách của Thường trực Chính phủ về chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (KCN Tân Tạo; quận Bình Tân, TP HCM) Trương Tiến Dũng nhấn mạnh: "Đây là một quyết sách kịp thời lúc này".

Theo ông Dũng, hiện rất nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thị trường tiêu thụ bị đóng băng do ảnh hưởng dịch bệnh…

"Vì thế, người lao động gặp khó khăn, không có việc làm và thu nhập. Do đó, nếu không hỗ trợ kịp thời, rất nhiều gia đình sẽ lao đao", ông Dũng bày tỏ, đồng thời khẳng định, mức hỗ trợ 1- 1,8 triệu đồng/người/tháng từ phía Chính phủ trong bối cảnh này là vô cùng quý giá.

Đồng thuận, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT) Trần Toàn Thắng nhận định, chủ trương hình thành một gói hỗ trợ an sinh xã hội như thế này là rất cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, hàng chục ngàn lao động mất việc.

Tuy nhiên, ông Thắng nhấn mạnh, bối cảnh dịch bệnh thì cách làm phải rút ngắn lại, để người lao động bị ảnh hưởng có thể tiếp nhận nhanh nhất các khoản hỗ trợ từ Chính phủ và các địa phương nhằm ổn định cuộc sống.

Các chuyên gia khác đều đánh giá cao gói hộ trợ này, coi đây là liều thuốc "giảm đau" kịp thời cho nền kinh tế. Điều họ quan tâm là nên tập trung vào khu vực lao động phi chính thức. Vì đây chính là những lao động bị tổn thương lớn nhất do ảnh hưởng dịch bệnh, họ không đóng bảo hiểm xã hội khi mất việc sẽ không biết bấu víu vào đâu. Gói hỗ trợ an sinh xã hội đối với lao động mất việc nên hướng tới khu vực lao động này.

Đánh giá riêng về hai nhóm giải pháp (tạm dừng đóng BHXH và bảo hiểm thất nghiệp đến hết tháng 12/2020), theo ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty mỹ nghệ Kim Bôi, dịch Covid-19 đến quá nhanh khiến doanh nghiệp rơi vào tình cảnh ngoài ý muốn, không có việc làm và khó đảm bảo chi trả lương cho người lao động.

"Các chính sách hoãn, giãn hoặc chậm nộp một vài khoản nộp bắt buộc đang được đề xuất là rất cần thiết, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp có thêm nguồn tiền chi trả cho người lao động, giữ chân lao động qua cơn khốn khó", ông Hùng nhìn nhận.

Đồng quan điểm, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Cty Nam Thái Sơn đánh giá, đây là giai đoạn rất quan trọng để giữ chân người lao động nên các chính sách như bảo hiểm y tế, BHXH cần phải được "mở" như thế, nếu không khi dịch qua đi thì việc tìm lại nguồn lao động để tiếp tục duy trì sản xuất lại càng khó khăn hơn.

Đón nhận thông tin về Đề án với 6 nhóm giải pháp hỗ trợ lao động và doanh nghiệp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội Hoàng Thanh Sơn cho hay, các nhóm giải pháp trợ giúp người lao động, doanh nghiệp được triển khai càng sớm càng tốt. Các chính sách trợ giúp sẽ là phao cứu sinh cho người lao động, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Gói hỗ trợ chưa có tiền lệ cho hàng triệu người dân

Mặc dù tăng trưởng quý I/2020 chỉ đạt 3,82%, mức thấp nhất trong 11 năm qua, tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, đây là một cố gắng lớn trong bối cảnh nhiều nước tăng trưởng âm hoặc bằng không.

Minh chứng, Báo cáo Đông Á và Thái Bình Dương thời Covid-19 vừa được công bố của Ngân hàng Thế giới nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững trước các cú sốc bên ngoài trong mấy tháng đầu năm 2020, không gục ngã, đạt mức tăng trưởng cao nhất so với các nước có trong báo cáo.

Tuy nhiên vẫn phải nhìn thẳng vào thực tế, chỉ số tăng trưởng các ngành sụt giảm mạnh. Kết quả khảo sát nhanh trên 1.200 doanh nghiệp (phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ) của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ về ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng cho thấy, nếu dịch bệnh kéo dài, doanh thu sẽ giảm rất mạnh và dẫn đến doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động hoặc nghỉ không hưởng lương nhiều hơn, cắt giảm tiền lương, đồng thời nguy cơ phá sản cao. Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã quyết định tăng "liều thuốc giảm đau" cho nền kinh tế với hàng loạt gói hỗ trợ. Trong đó, đáng chú ý là gói người lao động mất việc, người nghèo, người yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội kể trên.

Có thể thấy, đây là một quyết sách kịp thời nhằm góp phần thực hiện thông điệp, chủ trương của Chính phủ, bảo đảm sinh kế, việc làm của người dân không bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Nguyên tắc hỗ trợ là hướng về đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch bệnh; không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng; bảo đảm cả người lao động, doanh nghiệp và Chính phủ cùng chia sẻ khó khăn, trong đó Chính phủ hỗ trợ một phần với mức phù hợp trong khả năng, nguồn lực.

Đánh giá về tính nhân văn và kịp thời của chính sách này, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng: "Dân gian ta có câu "Hoạn nạn mới biết lòng nhau, nhà nghèo mới hay con thảo". Và những việc làm của Chính phủ, những chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác điều hành đối phó với "giặc dịch" cho đến nay vừa minh chứng cho một tinh thần "bầu ơi thương lấy bí cùng" của con người Việt Nam, vừa cho thấy một Chính phủ, Nhà nước vì dân, do dân luôn hiện hữu".

Ngày 1/4, Chính phủ công bố gói Hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội để đối phó với tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Liên quan đến nội dung này, tối cùng ngày, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, ước tính sẽ có gần 20 triệu đối tượng chính sách và người lao động được thụ hưởng từ gói hỗ trợ này.

Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất ưu tiên chăm lo cho: Người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương, hộ kinh doanh cá thể nhỏ, lao động mất việc làm… với mức hỗ trợ bằng tiền mặt trong 3 tháng.

"Với gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội để đối phó với tác động tiêu cực của dịch Covid-19 này, tôi tin sẽ nhận được sự đồng thuận của nhân dân, của những người có công với cách mạng, những người yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội, những người lao động gặp khó khăn trong việc làm, thu nhập và nhất là các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, cá thể và những người lao động tự do…", ông Dung nói.

"Qua đó củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và Chính phủ", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh thêm.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, đây là những giải pháp về lĩnh vực an sinh xã hội có tính cấp bách được trình Chính phủ góp ý kiến nhằm hoàn thiện gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là hỗ trợ bên ngoài mức trợ cấp thường xuyên đang được hưởng.

Hiện Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Thủ tướng ký ban hành.